Bà nói về cuộc sống, công việc ở tuổi 72, dịp đóng phim Lật mặt 8: Vòng tay nắng.

- Bà có trải nghiệm thế nào khi tham gia tác phẩm mới của đạo diễn Lý Hải?

- Tôi quay trên đồi cát vào những ngày nắng nóng, thể lực xuống nhanh nên rất mệt. Bù lại, là người lớn tuổi nhất đoàn, tôi được các em, các cháu thương, chăm chút từng ly từng tí. Hơn nữa, tôi vốn lăn xả, một khi đã lên trường quay là quên hết tất cả.

Trước đây, tôi mới làm việc chung với Lý Hải qua một phim ngắn, quan hệ ở mức đồng nghiệp xã giao. Các nghệ sĩ khác phải casting, tôi được mời tham gia, do là gương mặt phù hợp trong lứa diễn viên lớn tuổi còn hoạt động. Tôi nhận lời vì tiếng vang của series Lật mặt và uy tín đạo diễn.

Nhân vật của tôi sống kham khổ từ nhỏ, khao khát một gia đình hạnh phúc. Thế nhưng chồng mất sớm, bà một thân một mình nuôi người con mắc thương tật. Dù gặp nhiều khó khăn, bà giữ tinh thần lạc quan, yêu đời. Bà ủng hộ hai cháu theo đuổi giấc mơ trở thành thần tượng, trong khi bố mẹ chúng cấm cản. Vai diễn có nhiều cảnh hài hước.

trailer-chinh-thuc-cua-lat-mat-8-vong-tay-nang-1744872573.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Sd9h6q5mhHBMMrymEnmo0w
Trailer chính thức của "Lật mặt 8: Vòng tay nắng"

Nghệ sĩ Kim Phương (xuất hiện lúc 0:14) trong ttrailer "Lật mặt 8". Video: Đoàn phim cung cấp

- Ở tuổi thất thập, động lực nào giúp bà tiếp tục cống hiến?

- Với tôi, làm nghệ thuật giống như cơm ăn áo mặc hàng ngày, là nhu cầu thiết yếu. Từ nhỏ, tôi chẳng biết gì khác ngoài đi hát, đi diễn. Giờ tôi gần như chạy đua với thời gian, ít nghỉ ngơi. Trong lúc đi cine-tour Lật mặt, tôi được một đơn vị mời đóng phim mới, lịch trình của hai bên đan xen nên khá bận rộn. Ngoài ra, tôi vẫn làm giám khảo gameshow, tham gia nhiều chương trình. Mức cát-xê của tôi khá cao, do tôi vẫn còn cái nghề gốc không thể bỏ được là vọng cổ. Thù lao tham gia nhiều sự kiện có thể ở trên trời còn tiền công của nghệ sĩ cải lương ở dưới mặt đất. Tôi buộc phải lấy cái này bù cái kia.

- Tham gia nghệ thuật từ năm 14 tuổi đến nay, bà trải qua những buồn vui gì?

- Tôi không muốn nói tới chuyện được mất, chỉ có học và học, mà càng biết thêm lại càng thấy mình kém cỏi. Nhiều người có bạn đời làm ngoài ngành sẽ khó thông cảm. Tôi lấy chồng là nghệ sĩ Đặng Vinh Quang, kép chính ở nhiều đoàn. Cả hai "cơm ghe bè bạn", cùng đi diễn với nhau nên ít trở ngại.

Thế nhưng nghệ sĩ nào cũng vẫn phải hy sinh, có những nỗi đau riêng. Chuyện gia đình gặp sự cố nhưng không thể về là bình thường. Năm 1975, đúng mùng một Tết, khi tôi đang ở trên sân khấu, con trai ba tuổi đột ngột mất. Chồng tôi và một người bạn thuê xe lam, đến trại cưa đóng một chiếc áo quan, lo hậu sự cho con. Tôi không thể nhìn mặt con lần cuối. Nhờ có sân khấu, khán giả, tôi mới vượt được biến cố. Khi đã trải qua nỗi đau tận cùng, những chuyện buồn khác không có gì nặng nề cả.

Tám năm trước, khi tôi và con út đang đi thi ca nhạc thì nghe tin anh Quang, lúc đó đã là chồng cũ, qua đời. Hai mẹ con cố hoàn thành chương trình rồi về đưa tiễn anh. Tôi chia tay chồng khi mới ngoài 40 tuổi, con út sáu tuổi. Ba con trai đều ở cùng mẹ. Hôn nhân tan vỡ, lỗi đều ở hai người. Tôi lúc đó nặng gánh vì mất đi một bờ vai mà vẫn phải bươn chải lo cho gia đình. Vì thế, tôi chẳng còn để tâm chuyện yêu đương. Lúc nghĩ đến thì quá muộn rồi, không còn ai dám lấy (cười).

Ngoài sân khấu, niềm vui của tôi là được ở bên gia đình. Ba con trai đã trưởng thành. Tôi sống cùng con út, nhạc sĩ Tống Hạo Nhiên. Thỉnh thoảng, cả nhà cùng nhau ăn một bữa cơm, đi du lịch, thế là đủ.

kim-phuong-1746516741-7000-1746518249.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2TvkYxkhp0JwH4Mx_vnDJA

Nghệ sĩ Kim Phương ở tuổi 72. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Gắn với nhiều vai phản diện, kỷ niệm nào khiến bà nhớ nhất?

- Trên sân khấu cải lương, tôi đóng Tào Thị gian xảo trong Phạm Công, Cúc Hoa, mẹ chồng quái thai trong Lâm Sanh, Xuân Nương. Với truyền hình, tôi được biết đến nhờ vai Cả Kim trong Tại tôi, bà mẹ chồng cổ hủ, gián tiếp khiến gia đình con trai tan nát. Tôi cũng có vô vàn vai bà hội đồng, địa chủ ác độc, mẹ chồng ghê gớm. Có thể vóc dáng, gương mặt của tôi phù hợp. Tôi vẫn đóng được vai hiền nhưng khán giả không thích. Những ngày đầu đóng vai phản diện, nghe người xem chửi rủa, tôi cũng khá sượng sùng, nhưng giờ thấy vui. Bởi điều đó chứng tỏ mình diễn đạt.

Giờ tôi đã quen với việc ít khi được khán giả kêu tên mà thường gọi bằng những từ như "mụ này", "bà già này", "con mẹ này". Có lần, khi ra ngoài cùng đoàn, một cụ ông lớn tuổi gọi tôi lại và nói: "Đàn bà gì mà ác dữ vậy. Sống vậy mà sống được à. Tôi mà đập cái tivi mà đánh cô được là tôi đập rồi, có biết chưa. Ở ngoài có ác như vậy không?". Tôi đáp "Dạ không", họ mới trả lời: "Ừ được". Có lẽ sự giận dữ ấy mộc mạc, chân chất, khiến tôi thương nhiều hơn là ghét.

nghe-si-kim-phuong-dong-cai-luong-nguoi-vo-co-chong-ngoai-ti-1746517962.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vfHSeKn77VAf94UbeaMMwA
Nghệ sĩ Kim Phương đóng cải lương người vợ có chồng ngoại tình

Nghệ sĩ Kim Phương đóng người vợ có chồng ngoại tình trong một vở cải lương. Video: HTV

- Bà đau đáu điều gì với nghề?

- Nhiều năm nay, tôi làm đạo diễn các vở cải lương cho Đài Truyền hình TP HCM. Đi diễn, tôi chỉ cần đóng một vai nhưng khi ở phía sau, tôi thị phạm hết cả vở, giọng hát không còn được như trước. Tôi dành tâm huyết đào tạo những em như tờ giấy trắng, chỉ bảo, uốn nắn từng động tác, để có người nối nghề.

Tôi đã là Nghệ sĩ Ưu tú, nhưng buồn vì cách nhiều người đối xử với diễn viên chỉ dựa trên danh hiệu. Có những nhà tổ chức game show, họ không nhìn vào tuổi nghề, uy tín, mà chỉ tính: "Không phải Nghệ sĩ Ưu tú, cát-xê 10 triệu, Ưu tú thì 20 triệu". Trước đây, khi chưa xét duyệt dựa trên huy chương, cả TP HCM chỉ có bảy, tám người đạt danh hiệu. Giờ có người không đi diễn nhiều nhưng lĩnh đủ huy chương là được xét duyệt. Tất nhiên, huy chương cũng được đánh giá trên hội thi. Nhưng đó là đạo diễn chăm chút cho anh một vai đó thôi, không hay sao được. Mấy năm trước, nhiều học trò khuyên tôi: "Má ơi, má làm hồ sơ đi, chứ chúng con đều có rồi". Lúc đó, tôi mới làm hồ sơ xét duyệt. Với tôi, đó là mốc đánh dấu nỗ lực cả đời làm nghề, giống như huân chương anh hùng lao động vậy.

Nghệ sĩ Kim Phương sinh năm 1953 ở An Giang, có mẹ là nghệ sĩ Kim Phụng. Từ nhỏ, bà theo mẹ đi hát cải lương ở nhiều đoàn. Năm 17 tuổi, bà trở thành đào chính, để lại dấu ấn đẹp qua loạt vai Doanh Doanh (vở Chín đường tuyệt kiếm), Trưng Nhị (vở Tiếng trống Mê Linh), Dương Vân Nga (vở Thái hậu Dương Vân Nga), cô Lựu (vở Đời cô Lựu), Thị Hến (vở Ngao Sò Ốc Hến), vợ Nguyễn Hữu Tiến (vở Bóng ai trên sông lạnh). Năm 28 tuổi, bà dần chuyển sang diễn những vai tính cách hung dữ, độc ác. Ngoài gắn bó sân khấu cải lương, bà đóng nhiều nhân vật phụ cá tính trong các phim truyền hình.

Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022