Hai loại tôm hùm đang xuất khẩu chính của Việt Nam là tôm hùm xanh và hùm bông. Theo số liệu của VASEP, tính đến cuối tháng 2, kim ngạch xuất hai loại này đều tăng vọt. Trong đó, tôm hùm xanh xuất 27,6 triệu USD, còn hùm bông gần 2,2 triệu. Các mức này tăng lần lượt 80 và 45 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung, hai tháng đầu năm, xuất khẩu tôm hùm đạt gần 30 triệu USD, cao hơn 18 lần so với mức 1,6 triệu USD cùng thời điểm 2023.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của loại hải sản này, gần 29 triệu USD, gấp 27 lần cùng kỳ 2023. Các thị trường khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng chuộng tôm hùm xanh từ Việt Nam.
Xuất khẩu tôm hùm bật tăng sau khi nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm hùm xanh để bán sang Trung Quốc - nơi ngừng nhập hùm bông Việt Nam từ cuối năm ngoái.
"Nhu cầu tôm hùm xanh từ Trung Quốc khá cao. Người nuôi chủ yếu xuất hàng tươi sống, trong khi hùm bông là hàng đông lạnh", theo VASEP.
Tôm hùm bán trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP HCM ngày 5/3/2020. Ảnh: Quỳnh Trần
Từ tháng 10/2023, Trung Quốc ngưng nhập tôm hùm bông của Việt Nam vì quy định mới liên quan đến Luật bảo vệ động vật hoang dã.
Để xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường tỷ dân, các doanh nghiệp phải chứng minh tôm giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển, nghĩa là con giống phải thuộc thế hệ F2 và quá trình nuôi rõ ràng. Phía doanh nghiệp nhập khẩu cũng cần có giấy phép.
Đầu năm nay, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thống nhất với phía Trung Quốc về xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu loại thủy sản này. Theo đó, trong khi chờ nghị định thư ký giữa hai nước, Trung Quốc sẽ tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở đăng ký xuất khẩu tôm hùm sang nước này.
Theo số liệu của Bộ này, hai tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều loại hải sản có mức tăng tăng, như cá ngừ 21%, cá tra là 6,5% và tôm sú 9%.
Dỹ Tùng - Thi Hà