Chính sách lãi suất âm - nguyên nhân khiến đồng yen mất giá vài năm qua, được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố bỏ hôm nay. Sau động thái này, đồng yen vẫn chịu sự điều chỉnh.
Chốt phiên giao dịch 19/3, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng 0,66%. Chỉ số Topix tăng 1,06%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản đi xuống. Trong khi đó, yen Nhật hiện mất 0,78% so với USD, về 1 USD đổi 150,3 yen.
Việc yen yếu đi cho thấy thị trường đã dự báo được quyết định của BOJ từ lâu và phản ánh vào tỷ giá trước đó. Vì thế, khi cơ quan này thực sự nâng lãi suất, giá yen không tăng.
Đồng yen vốn rất nhạy cảm với lãi suất Mỹ. Giới phân tích cho rằng yen sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuần này, và số lần tổ chức này giảm lãi năm nay. Thời gian qua, yen mất giá do Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất âm trong bối cảnh Mỹ liên tiếp nâng lãi để ghìm lạm phát.
Diễn biến tỷ giá USD/JYP trong một năm qua. Đồ thị: Reuters
Động thái dừng lãi suất âm của BOJ, theo giới phân tích là bước đi đầu tiên trong bình thường hóa lãi suất của Nhật Bản. Trong cuộc họp báo hôm nay, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết điều kiện tài chính vẫn được duy trì ở trạng thái nới lỏng. Dù vậy, tốc độ nâng lãi sẽ còn phụ thuộc vào triển vọng kinh tế và lạm phát.
"Quyết định hôm nay vẫn được coi là khá nới lỏng, khiến đồng yen yếu đi. Dù vậy, giữ lập trường nới lỏng không đồng nghĩa sau này họ không nâng lãi. Nhà đầu tư cần thời gian để đánh giá triển vọng chính sách", Koji Fukaya - nhà phân tích tại Market Risk Advisory cho biết trên Bloomberg.
Ngân hàng này cũng từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) và ngừng mua lại các tài sản rủi ro trên thị trường. Như vậy, giới chức Nhật Bản đã thay đổi chiến lược sau nhiều thập kỷ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Tuy vậy, giới phân tích đặt ra câu hỏi "điều gì sẽ xảy ra tiếp theo động thái này?". Frederic Neumann - kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC dự báo, BOJ có thể mắc kẹt ở vùng lãi suất quanh 0% và không nâng thêm trong các quý tới.
Hà Thu (theo Reuters)