Gặp các nhà đầu tư nước ngoài ngày 19/3 trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính nói ông có niềm tin vào các doanh nghiệp FDI. Bởi, khu vực này đóng góp quan trọng vào cải thiện chất lượng kinh tế Việt Nam.
"Đầu tư của doanh nghiệp FDI giúp bổ sung vốn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân", ông nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhắc lại quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, lĩnh vực mới (như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo), có sức lan tỏa, thân thiện với môi trường.
"Việt Nam không chấp nhận tăng trưởng trước, dọn dẹp sau, không tăng trưởng bằng mọi giá", ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp FDI, ngày 19/3. Ảnh: VGP
Trước những chuyển biến nhanh chóng, bất định trên thế giới, để giúp nhà đầu tư yên tâm làm ăn, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam không chủ quan, lơ là, luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thách thức.
Chính phủ Việt Nam cũng luôn lắng nghe, chia sẻ với các đối tác, nhà đầu tư, để cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng. "Tôi chưa từ chối tiếp một hiệp hội doanh nghiệp nào nếu có mặt tại Hà Nội", Thủ tướng nói.
Ông cũng cam kết ba bảo đảm với cộng đồng doanh nghiệp. Thứ nhất, Việt Nam bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, gồm FDI, để nhà đầu tư ổn định, phát triển theo các xu hướng mới (xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu). Thứ hai, Việt Nam đảm bảo giữ vững về ổn định chính trị, xã hội cũng như các chính sách. Cuối cùng, năng lượng đảm bảo phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chuyện với các doanh nghiệp FDI, bên lề hội nghị, ngày 19/3. Ảnh: VGP
Năm 2023, Việt Nam thu hút gần 37 tỷ USD vốn FDi, tăng trên 32% và là mức cao thứ 3 trong 15 năm gần đây, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vốn ngoại thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%, cũng là mức kỷ lục.
Hai tháng đầu năm, thu hút FDI đạt 4,3 tỷ USD tăng gần 37% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 2, Việt Nam còn trên 39.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư trên 473 tỷ USD.
Trước đó, nhiều hiệp hội bày tỏ lo ngại gánh nặng thủ tục hành chính. Ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại Hà Nội nói nhiều doanh nghiệp, gồm thành viên Amcham đang đối mặt với chậm trễ trong phê duyệt thủ tục hành chính. Điều này gây cản trở hoặc đình trệ các dự án của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Hay phía Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) thì đề nghị Việt Nam minh bạch và xử lý sớm thủ tục hoàn giá trị gia tăng (VAT), rút ngắn thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Ghi nhận phản ánh của các doanh nghiệp ngoại, Thủ tướng nói Chính phủ sẽ đẩy mạnh các đột phá về thể chế, hạ tầng, nhân lực và tăng minh bạch, phòng chống tham nhũng để tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Ông đề nghị các doanh nghiệp FDI tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về vốn, thể chế, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực. Các doanh nghiệp ngoại cũng cần khắc phục một số hạn chế về chất lượng đầu tư, chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp nội địa yếu.
Đức Minh