Khả năng chống chịu của tòa nhà là yếu tố quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các rủi ro này có thể làm giảm giá trị công trình, tăng chi phí phục hồi, bảo hiểm.

Bà Nguyễn Thị Mai, cán bộ chương trình IFC, Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết họ đang thí điểm chỉ số khả năng chống chịu của tòa nhà (BRI) tại 5 địa điểm của Việt Nam. Công cụ này cung cấp hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro trực tuyến và khuôn khổ đánh giá khả năng thích ứng cho ngành xây dựng.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2025-05-4346-7472-1747236567.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zC-CPx5nLqqr_JMbnOAgeA

Bản đồ nguy cơ sạt lở, với màu đỏ hiển thị nguy cơ cao nhất. Nguồn: IFC

Hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro trực tuyến cung cấp thông tin bản đồ về 4 nhóm thiên tai chủ yếu tại Việt Nam, gồm gió, bão, ngập lụt, cháy, địa chấn (động đất, sạt lở). Trong đó, một công trình được xác định có khả năng chống chịu khi tồn tại được sau các thảm họa tự nhiên và khí hậu. Trong điều kiện lý tưởng, nó có thể duy trì hoạt động, không bị gián đoạn bởi thiên tai.

5 công trình được chọn thí điểm nằm tại Sa Pa, Quảng Nam, Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương, với các vùng khí hậu, nguy cơ thiên tai khác nhau. Các địa điểm vùng núi dễ bị sạt lở, khu vực gần biển nguy cơ ngập lụt, gió bão, còn đồng bằng sông Cửu Long dễ xảy ra sụt lún.

Sau hai năm thí điểm với hơn 60 tiêu chí, hơn một nửa công trình không đạt khả năng chống chịu. Hai công trình đạt ở mức trung bình.

Bà Mai nhấn mạnh tầm quan trọng của thiết kế tòa nhà thích ứng với biến đổi khí hậu, khi rủi ro thiên tai diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Ví dụ, bão Yagi vào năm ngoái, dư chấn tại Hà Nội và TP HCM hồi tháng 3, và động đất tại Kon Tum tháng 4... là phép thử chống chịu cho các công trình tại Việt Nam.

"Từ khâu đầu tư và thiết kế, một công trình phải được tính toán về tuổi thọ và sức chống chịu", đại diện IFC nói. Với tầm nhìn 50 năm, một tòa nhà cần được thiết kế với khả năng chống chịu trước những cơn bão mạnh, vài chục năm mới có một lần. Trước cơn bão mạnh như vậy, một công trình chỉ với tầm nhìn 10 năm sẽ chịu thiệt hại nặng.

Đầu tư từ khâu thiết kế cho các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ tiết kiệm được chi phí sửa chữa, nâng cấp sau thiệt hại, theo đại diện IFC. Theo đó, mỗi 1 USD đầu tư để tăng khả năng thích ứng khí hậu, sẽ tiết kiệm được 4 USD nhờ giảm thiệt hại trong tương lai.

Bên cạnh việc cung cấp hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro trực tuyến, IFC cũng đưa ra các khuyến nghị giảm thiểu rủi ro, nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của công trình và khả năng duy trì vận hành.

Thực tế, Việt Nam đã có các quy định về phòng cháy chữa cháy và quy chuẩn kỹ thuật xây dựng quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng (QCVN 02 năm 2022). Tuy nhiên, đại diện IFC cho rằng những chuẩn cũ là chưa đủ trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan hơn. Thêm vào đó, tương tự các chuẩn mực trong công trình xanh, chỉ số khả năng chống chịu của tòa nhà (BRI) có thể coi như thước đo của một dự án khi muốn tiếp cận dòng vốn khí hậu.

Thủy Trương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022