Ngày 16/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết một số cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo nghị quyết này nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 68, và tạo cú hích, đòn bẩy để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Một trong những nội dung được quan tâm tại dự thảo nghị quyết là phân định rõ trách nhiệm của pháp nhân với cá nhân, và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Theo đó, với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế thì ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế và hành chính trước. Các doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Việc này nhằm tạo sự yên tâm cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Đây là điểm được các đại biểu Quốc hội, giới chuyên gia đồng thuận cao.
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho rằng quy định này giúp doanh nhân, doanh nghiệp nếu vi phạm, họ có cơ hội, điều kiện bù đắp thiệt hại và quay trở lại kinh doanh để đóng góp cho xã hội.

Công nhân sản xuất tại Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, Quảng Ngãi. Ảnh: Giang Huy
Việt Nam đang có trên 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách, 82% lao động và khoảng 50% GDP.
PGS Trần Hoàng Ngân (trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM) cho rằng cần tạo điều kiện, ưu đãi nhất cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực quốc gia. "Như vậy doanh nghiệp tư mới có thể trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế vào 2030", ông nói.
Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, kinh tế tư nhân tăng trưởng bình quân khoảng 10-12% một năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực này đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách, giải quyết 84-85% việc làm và năng suất lao động tăng bình quân tăng 8,5-9,5% mỗi năm.
Dự thảo nghị quyết cũng quy định hoạt động thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp tư nhân được chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cụ thể, việc thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp hộ kinh doanh không quá một lần trong năm (trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng). Hành vi lạm dụng thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị xử nghiêm. Quy định này thể hiện bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, trừ trường hợp vi phạm phải thanh tra theo yêu cầu, vụ việc bắt buộc.
Tuy nhiên, thảo luận ở tổ chiều 15/5, nhiều đại biểu lo ngại việc giảm thanh tra, miễn kiểm tra có thể chậm phát hiện sai phạm của doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực liên quan tới sức khỏe người dân (sữa, thực phẩm chức năng) hay phòng cháy chữa cháy... Họ đề nghị không quy định "cứng" việc thanh tra, kiểm tra tối đa một lần trong năm với tất cả lĩnh vực, ngành nghề và giao Chính phủ quy định chi tiết việc này.
Cũng trong sáng 16/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng, thi hành pháp luật.
Buổi chiều, Chính phủ trình báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước 2023. Các đại biểu dành thời gian còn lại thảo luận ở tổ 2 dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Anh Minh