Trong bài phát biểu kéo dài một giờ về vấn đề kinh tế tại Asheville, North Carolina (Mỹ) hôm 14/8, ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump cam kết sẽ hạ giá xe hơi, nhà ở, bảo hiểm và thuốc kê đơn nếu tái đắc cử. Ông cũng chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden vì khiến giá tiêu dùng tăng vọt.

"Ở đây có ai cảm thấy dưới thời Biden và Kamala Harris giàu hơn là nhiệm kỳ của tôi không?", ông hỏi.

Trump cũng khẳng định nếu bà Harris giành chiến thắng, "kết quả sẽ là kinh tế lao dốc, như suy thoái năm 1929". Còn nếu ông tái đắc cử, Mỹ "bắt đầu một quá trình bùng nổ kinh tế hoàn toàn mới".

trump-harris-3320-1723709618.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LsdgK2SmFD08Yn4URPYjtw

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo tại dinh thự Mar-a-Lago. Ảnh: Reuters

Trước khi đại dịch xuất hiện, kinh tế dưới thời Trump khá vững mạnh. Thực tế, khi nhậm chức năm 2017, ông thừa hưởng nền kinh tế vốn đã tích cực từ trước đó. Thị trường việc làm, thu nhập trung bình hộ gia đình và chứng khoán lúc này đều ghi nhận chuỗi tăng trưởng dài kỷ lục.

Trump hôm qua còn hứa hẹn tiếp tục chính sách giảm thuế mà ông khởi xướng năm 2017 và giúp Mỹ "trả hết nợ". "Các khoản thâm hụt khổng lồ của chúng ta sẽ được giảm xuống 0. Nước Mỹ có động lực tăng trưởng", ông nói.

Dù vậy, Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ (CRFB) - một tổ chức phi lợi nhuận - ước tính chính sách hạ thuế và hỗ trợ việc làm của cựu tổng thống sẽ khiến thâm hụt ngân sách nước này tăng thêm 5.000 tỷ USD đến năm 2035. Chính sách giảm thuế với trợ cấp an sinh xã hội và tiền hoa hồng của Trump có thể khiến ngân sách thâm hụt thêm 1.850 tỷ USD.

Khảo sát mới nhất của FT và Đại học Michigan cho thấy 42% cử tri được hỏi tin vào khả năng điều hành kinh tế của bà Harris. Trong khi đó, tỷ lệ này với ông Trump là 41%. Tháng trước, khi Tổng thống Biden còn là ứng cử viên của đảng Dân chủ, tỷ lệ ủng hộ ông chỉ là 35%.

Số liệu lạm phát công bố hôm 14/8 cũng là tin tức tích cực với bà Harris. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 7 chỉ tăng 2,9% - lần đầu dưới 3% kể từ năm 2021. Việc này càng củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong phiên họp tháng 9.

Cuối tuần trước, bà Harris cũng có bài phát biểu tập trung vào kinh tế tại North Carolina. Trong đó, bà đề xuất cấm thao túng giá trong lĩnh vực thực phẩm. Bà cũng muốn giới chức tăng điều tra và phạt các công ty vi phạm những quy định này, đồng thời đánh giá kỹ lưỡng các thương vụ M&A trong ngành.

Chiến dịch tranh cử của Harris cũng chỉ trích kế hoạch kinh tế của Trump. Họ nói rằng chính sách giảm thuế doanh nghiệp mạnh tay và nâng thuế nhập khẩu của cựu tổng thống sẽ chỉ khiến lạm phát tăng cao.

Hà Thu (theo FT, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022