Nhận định tại hội thảo "Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM: Không gian phát triển và đào tạo nguồn nhân lực" ngày 22/4, bà Trần Minh Hường - Giám đốc nhân sự Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng nguồn nhân lực là một trong những nút thắt lớn nhất để thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM.
Đầu năm nay, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP HCM và trung tâm khu vực tại TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau quá trình khảo sát thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng hai trung tâm tài chính quy mô, tầm cỡ khác nhau tại hai thành phố khả năng thành công thấp, nhất là trong bối cảnh mô hình này hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Do đó, Chính phủ thống nhất sẽ trình lại cấp có thẩm quyền, trong đó xác định Việt Nam chỉ có một trung tâm tài chính quốc tế, với một khung chính sách duy nhất và được đặt tại TP HCM, Đà Nẵng.
Theo bà Hương, trung tâm tài chính quốc tế hỗ trợ các hoạt động tài chính và sản phẩm phức tạp hơn nhiều so với ngành ngân hàng hiện tại. Điều này đòi hỏi nhân sự làm việc tại trung tâm này phải có kiến thức tài chính, kinh nghiệm thực chiến, chuyên sâu và tính chuyên nghiệp, khả năng thích ứng toàn cầu.
"Hiện khoảng cách về kỹ năng của nhân sự là đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, phái sinh, công nghệ tài chính (fintech) và tài chính pháp lý quốc tế", bà Hường nêu.

Khu vực hầm Thủ Thiêm nhìn về trung tâm quận 1, TP HCM vào tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần
Trong kỳ xếp hạng gần nhất vào tháng 3 về Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), TP HCM tăng 7 hạng so với năm ngoái lên 98, cao nhất kể từ khi bắt đầu được vào danh sách năm 2022.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM (HIDS) lưu ý dù tiến bộ nhưng các chuyên gia GFCI cũng chỉ ra thành phố cần cải thiện năng lực cạnh tranh xoay quanh 3 khía cạnh, gồm nguồn nhân lực trình độ cao, môi trường thân thiện doanh nghiệp và các định chế tài chính uy tín.
Các yếu tố liên quan đến nguồn nhân lực, theo GFCI, thành phố cần cải thiện như chất lượng giáo dục, nhân lực chuyên nghiệp, thị trường lao động hiệu quả và chất lượng sống.
Chủ trì hội nghị, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng mời gọi các tổ chức tài chính, các viện, trường đại học đang hoạt động trên địa bàn giới thiệu nhân sự và đồng hành cùng các chính sách phát triển nguồn nhân lực cho trung tâm tài chính quốc tế đặt tại thành phố.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng (đứng) và Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM Trương Minh Huy Vũ (bên trái) tại hội thảo ngày 22/4. Ảnh: Cổng thông tin TP HCM
Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, doanh nghiệp là "thành viên" trung tâm tài chính được tự chủ tuyển dụng lao động, kể cả lao động nước ngoài. Họ không bị giới hạn tỷ lệ, không cần xác định nhu cầu hay thông báo tuyển dụng theo quy định và áp dụng thủ tục cấp phép lao động nước ngoài rút gọn.
Doanh nghiệp trong trung tâm tài chính cũng được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động. Ngân sách địa phương hỗ trợ chi phí đào tạo nhân lực trình độ đại học trở lên trong thời gian 4 năm, tính từ năm 2026.
Chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc, kinh doanh được rút ngắn thời gian giải quyết cấp thị thực, tạm trú. Theo đó, họ được cấp thị thực nhiều lần với thời hạn đến 5 năm hoặc thẻ tạm trú đến 10 năm. Họ còn có thể được hưởng cơ chế "một cửa" hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh. Nhà đầu tư ngoại có vốn lớn hoặc đóng góp quan trọng được xét cấp thẻ thường trú.
Ông Vũ nhận định lực lượng lao động chuyên nghiệp, chất lượng là nền tảng phát triển và duy trì khả năng cạnh tranh của trung tâm tài chính. Ông đề xuất trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM cần nhân sự trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, ngân hàng, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị rủi ro.
Bà Trần Minh Hường lưu ý nhân sự làm việc tại trung tâm tài chính quốc tế cần kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về tài chính quốc tế, ngân hàng đầu tư, thị trường vốn, giao dịch phái sinh, quản trị rủi ro. Do vậy, đào tạo và đạt chứng chỉ chuyên ngành như CFA, CPA, FRM, ACCA rất cần thiết.
Nhân sự cũng cần tiếng Anh lưu loát, bên cạnh ngoại ngữ khác như tiếng Trung, Nhật, tiếng Hàn là lợi thế. Họ phải có kỹ năng giao tiếp và đàm phán quốc tế, tư duy phân tích và khả năng ứng phó khủng hoảng toàn cầu.
Để đạt được các đòi hỏi này, ông Trương Minh Huy Vũ đề xuất thành phố cần chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài thông qua hợp tác với trường học, đại học và doanh nghiệp. Thành phố cũng cần xây dựng cơ chế nhập cư cởi mở để tiếp cận chuyên gia quốc tế; phát triển hệ sinh thái cùng chính sách đãi ngộ hấp dẫn cho chuyên gia trong và ngoài nước.
Viễn Thông