"Mỗi chiều sau khi bác sĩ mổ xong, các cô y tá phải nhặt lại găng tay đem đi hấp để tái sử dụng, cái nào thủng thì tận dụng bằng cách lấy keo dán lại", PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường, 72 tuổi, nhớ lại công việc khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy những năm 80-90. Bác sĩ Cường tốt nghiệp năm 1979 chuyên về mổ tiêu hóa. Từng là Chủ nhiệm bộ môn Ngoại ĐH Y Dược TP HCM, Trưởng Khoa Ngoại Gan Mật Tụy Bệnh viện Chợ Rẫy, ông trải qua những tháng ngày thiếu thốn mà "thời bây giờ khó có thể tưởng tượng".

Khi ấy, Việt Nam vừa thống nhất đất nước, bị Mỹ cấm vận (từ 1975 đến 1994), trong khi phải dồn sức cho chiến tranh biên giới phía Bắc lẫn Tây Nam, kinh tế vô cùng khó khăn. Thuốc men, vật tư y tế chủ yếu nhập khẩu từ các nước Đông Âu nhưng cũng rất hạn chế vì không đủ nguồn lực, phải phụ thuộc phần lớn vào viện trợ. Găng tay phẫu thuật không đủ, các bác sĩ ưu tiên dùng cho những cuộc mổ lớn. Với các ca tiểu phẫu, bác sĩ phải dùng bàn tay trần để mổ sau khi sát khuẩn với cồn. Điều này không tránh khỏi tỷ lệ nhiễm trùng cho bệnh nhân tăng lên, chưa kể nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế.

"Kim tiêm, ống chích, ống dịch truyền... đều được luộc đi luộc lại nhiều lần để dùng cho nhiều người, thậm chí mũi kim mòn phải mài nhọn để sử dụng tiếp", bác sĩ Cường kể. Ngày nay các vật tư y tế này chỉ dùng một lần và cho một người, đảm bảo an toàn, vệ sinh và chống lây nhiễm bệnh.

Cả Bệnh viện Chợ Rẫy - tuyến cuối của khu vực phía Nam, chỉ có một máy cắt đốt cầm máu, ưu tiên cho mổ sọ não. Tất cả cuộc mổ khác, chẳng hạn cắt dạ dày, êkíp phải cột chỉ cầm máu, ca phẫu thuật tốn rất nhiều thời gian, bệnh nhân mất máu nhiều hơn. Do đó, khi ấy bệnh nhân rất sợ phẫu thuật vì không có thuốc giảm đau sau mổ, theo bác sĩ. Những lúc như vậy, nhân viên y tế cũng chỉ biết an ủi, xoa dịu người bệnh như một loại "thuốc giảm đau tinh thần".

mo-thuc-nghiem-tren-cho-chung-8320-4040-1745130059.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gN97gyQoLmygolLC8MbVsw

Mổ thực nghiệm nội soi tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 1992. Ảnh tư liệu

Năm 1992, khi bác sĩ Cường đưa máy móc mổ nội soi về Việt Nam, không có kẹp clip để cầm máu, cả nhóm có sáng kiến dùng chỉ khâu làm nơ đẩy từ ngoài vào ổ bụng để cầm máu bên trong. Thời gian mổ nội soi vì vậy kéo dài, thường 5-6 tiếng thay vì chỉ cần 1-2 tiếng như mổ mở. Trong khi thực tế hiện nay, mổ nội soi thường nhanh hơn mổ mở.

Theo bác sĩ Cường, điều kiện thiếu thốn buộc "mỗi người phải loay hoay tìm đủ mọi cách sáng tạo, tận dụng các kiến thức để thích ứng". Chỉ phẫu thuật thiếu thốn, một người thầy ở trường ĐH Y Dược TP HCM sáng chế chỉ tơ tằm để dùng. Trocar phẫu thuật thay vì dùng một lần, các bác sĩ chẻ nhỏ ra, đem đi sát trùng để dùng được hàng chục lần. Máy móc hỏng hóc không có chỗ sửa, mọi người "tự thân vận động", chia nhau lặn lội ra chợ Nhật Tảo tìm kiếm phụ tùng thay thế rồi xoắn tay vào nghĩ cách chữa.

Thuốc men cũng vô cùng hạn chế, kháng sinh chỉ có chủ yếu hai loại Penicilline, Streptomycine, bệnh gì cũng phải phối hợp cùng nhau. Streptomycine có nhiều tác dụng phụ, dễ làm hỏng dây thần kinh thính giác, nhưng nhiều trường hợp bác sĩ buộc phải dùng cho bệnh nhân "vì không còn lựa chọn nào khác".

Khi một công ty dược trong nước bào chế ra xuyên tâm liên, loại thuốc nam có tác dụng như thuốc kháng sinh. Xuyên tâm liên trở thành "thần dược" của nhiều loại bệnh, dù thực tế chỉ có tác dụng với một số bệnh. Bác sĩ Cường vẫn nhớ phải kê liều dùng thuốc này rất cao cho bệnh nhân, những trường hợp nhiễm trùng đường ruột "phải uống đến hơn 20 viên một lần". Trong khi đó, do thiếu chỉ khâu, vật tư, không đảm bảo vô trùng, tình trạng nhiễm trùng sau mổ lại diễn ra khá phổ biến, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

mo-ta-ch-song-sinh-vie-t-du-c-7590-7859-1745199297.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v7f0cIDc7bPCFD3FZIj26g

Ca phẫu thật trong bối cảnh thiếu thốn năm 1988, tách đôi cặp song sinh dính nhau Việt - Đức. Ảnh tư liệu

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền, 75 tuổi, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, cũng ấn tượng khó quên với chuyện thiếu thuốc. Năm 1976, ông và một số bác sĩ nội trú phát hiện bị ghẻ, gây ngứa giữa kẽ các ngón tay, ngón chân, có khi lan lên đùi với nhiều mọng nước rất khó chịu.

Ông xin được thuốc DEP ở y tế cơ quan để tắm rửa, giặt quần áo, thoa khắp người nhưng vẫn không bớt. Nhờ dược sĩ tìm trong kho bệnh viện, phát hiện vẫn còn thuốc Lindane còn sót lại, ông được cấp một tuýp 200 g. Vài ngày sau, nhiều người nghe tin đổ xô đến xin, nhân viên kho dược phải chiết ra vỏ lọ Penicilline để phát. Sau này, ông đọc thêm tài liệu y khoa, mới biết dịch ghẻ thường xảy ra khi thiếu ăn, thiếu protein và sống chật chội.

Ngoài kháng sinh Penicilline, Streptomycine và Kanamycine, những loại khác rất hiếm. Buổi chiều sau giờ làm việc, một vài bác sĩ loanh quanh "chợ trời", bỏ tiền túi ra mua vài loại để sử dụng cho người bệnh, có khi kiếm được cả một chai Digoxin lớn, theo bác sĩ Hiền.

Cũng khoảng thời gian này, tình hình bệnh tật xấu đi. Nhiều người bị sốt rét ác tính nhiều do đi xây dựng vùng kinh tế mới như Sông Bé (Bình Dương, Bình Phước) Đồng Nai, Bà Rịa... mắc bệnh chạy về lại TP HCM. Mỗi ngày, trung bình 2-3 ca sốt rét nặng phải vào ICU. Lúc đầu chỉ sốt rét thể não và co giật, về sau bắt đầu có biến chứng suy thận cấp.

Người bệnh may mắn "suy thận không thiểu niệu" (nước tiểu > 500 mL/ngày) thì sẽ sống vì điều chỉnh rối loạn nước điện giải dễ hơn. Nếu thuộc loại "vô niệu", các bác sĩ chỉ còn cách ngồi nhìn bệnh nhân chết từ từ do cao urê máu với các tinh thể urê đọng ngoài da, hay chết đột ngột do cao kali máu vì không có chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng. Tỷ lệ tử vong do sốt rét lúc đó khoảng 35-40%. Mãi đến thời kỳ 1988-1991, các bác sĩ mới thiết lập được kỹ thuật lọc màng bụng và sau đó là lọc máu, tỷ lệ tử vong xuống còn 10-13%.

Tỷ lệ tử vong do nhiều dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết, cũng từng rất cao do thiếu các "vũ khí" cần thiết. Những năm 80, khu vực phía Nam ghi nhận hàng trăm người tử vong do sốt xuất huyết mỗi năm, riêng năm 1987 lên đến 904 trường hợp. Điều trị sốt xuất huyết cần dịch truyền. Trong bối cảnh không có để dùng, các khoa dược của bệnh viện phải tự pha chế.

"Dung dịch tự pha chế dễ gây ra các phản ứng 'run tiêm truyền', khái niệm này ngày nay rất hiếm gặp nhưng thời ấy có tỷ lệ cao, diễn tiến nặng nhanh và dễ tử vong", một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhớ lại, thêm rằng "một chai dịch truyền nhập ngoại thời ấy có lúc có giá bằng cả chỉ vàng".

Năm 1991, ĐH Oxford của Anh bắt đầu hợp tác với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, góp phần giúp việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn.

a-nh-Viber-2025-04-20-21-03-29-6121-3356-1745199297.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nIJ6Uh6lXQ1lWJNn456w0A

Cấy vi trùng với nồi hấp tại labo di động ở trạm y tế, y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đi chống dịch thương hàn tại An Minh, Kiên Giang, năm 1993, sau khi được ĐH Oxford hỗ trợ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Khoảng cuối những năm 90, tình hình khởi sắc đáng kể, ngành y tế TP HCM bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc với hàng loạt kỹ thuật mới, xây mới và cải tạo nhiều bệnh viện. Ngày nay TP HCM đang trên hành trình phát triển chuyên sâu hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022