Báo cáo mới công bố của Công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI, cho biết người tiêu dùng chi 87.370 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam quý II gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki, tăng 10,4% so với quý II.

Trong đó, gần ba phần tư chi tiêu chảy vào Shopee, với tổng giao dịch (GMV) đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Xếp thứ hai tiếp tục là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%.

Tính chung, hai sàn này nắm đến 93,4% thị phần GMV, tăng so với mức 91,25% hồi quý I. Trong đó, chỉ Shopee mở rộng thị phần quý vừa qua, 3 sàn còn lại đều thu hẹp. Lazada và Tiki chỉ còn chiếm lần lượt 5,9% và 0,7%.

Với diễn biến này, thị trường bán lẻ trực tuyến hiện chỉ còn "cuộc đua song mã" giữa Shopee và TikTok Shop, theo YouNet ECI. Tuy nhiên, quý trước, tốc độ tăng trưởng GMV của Shopee nhanh hơn TikTok Shop, lần lượt đạt 16,1% so với 4,8%, giúp "ngôi vương" củng cố thêm 3,5 điểm thị phần.

"Ngôi sao mới nổi" TikTok Shop vẫn chưa theo kịp Shopee vì phụ thuộc lớn vào nhóm ngành thời trang và phụ kiện - chiếm 37,5% trên tổng GMV, trong khi Shopee chỉ 24%. Sau khi người tiêu dùng mua sắm nhiều mặt hàng này dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đã giảm trong quý II khiến TikTok Shop ảnh hưởng hơn.

Với phương châm "sàn bạn có gì mình có đó", Shopee tổ chức các hoạt động shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) như đối thủ. Sàn này cũng có nội dung video ngắn lẫn livestream. Đỉnh điểm vào tháng 6, TikTok Shop có các phiên livestream trăm tỷ thì Shopee cũng không kém cạnh với chuỗi sự kiện live kết hợp nhạc hội. Cuộc ganh đua này giúp GMV toàn thị trường tháng 6 đạt 33.800 tỷ đồng, tháng cao nhất từ đầu năm.

Ngoài ra, dù vấp phải một số phàn nàn từ nhà bán hàng, Shopee vẫn theo đuổi chiến lược chiều chuộng người mua để giữ chân họ. Sau khi cho phép khách hàng trả sản phẩm trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận hồi tháng 3, sàn này thử nghiệm cho khách hủy đơn ngay cả khi đang vận chuyển vào giữa tháng 6.

shopee2-7782-1723526099.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q9DdjdRDIYeLfpxQEI0Mbg

Tài xế giao hàng chờ khách ở Công trường Mê Linh, quận 1, TP HCM tháng 6/2023. Ảnh: Dỹ Tùng

Dự báo xu hướng thị trường bán lẻ trực tuyến thời gian tới, các chuyên gia cho rằng sức mua tiếp tục tăng, livestream vẫn thịnh nhưng thị trường chắt lọc nhà bán hơn.

Đầu tiên, doanh số có thể tăng khi thị trường bước vào mùa "Mega Sales" nửa cuối năm. Đánh dấu bằng ngày đôi 6/6, các tháng liên tiếp đến hết 2024 đều sẽ có chiến dịch khuyến mại ngày đôi ở tất cả sàn, với các cao điểm rơi vào 11/11 và 12/12.

Không chỉ lấy cớ ngày đôi, các sàn hiện cùng nhau kích cầu ít nhất 2 lần mỗi tháng, như: giữa tháng hoặc cuối tháng (lý do lương về); khuyến mại gian hàng chính hãng (shop mall) và chiến dịch khuyến mại riêng với các thương hiệu.

Tại sự kiện Việt Nam Mega Sales 2024 diễn ra cuối tháng trước, TikTok Shop công bố khảo sát ủy quyền Kantar thực hiện cho biết 69% người dùng nền tảng này dự định mua sắm nhiều hơn vào giai đoạn Mega Sales.

Tiếp đến, bán hàng qua livestream dự báo vẫn tiếp tục hút khách. TikTok Shop tiết lộ tăng trưởng GMV livestream của sàn này trong đợt khuyến mại 6/6 vừa qua đến 153% so với các đợt khuyến mại khác cùng quy mô 6 tháng liền trước.

Võ Anh Tú, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Sáng tạo TCC & Partners, một đơn vị truyền thông chuyên dịch vụ xây kênh bán hàng trực tuyến cho doanh nghiệp cho rằng livestream vẫn là phương thức nổi trội. "Đây là kênh tương tác nhanh chóng cho người bán và người mua. Phòng live là nơi trực tiếp tung mã giảm giá, giao dịch tức thì và tiết kiệm thời gian", anh lý giải.

Thị trường đi lên nhưng tìm kiếm cơ hội thành công sẽ ngày càng khó. Báo cáo của YouNet ECI chỉ ra đến 26.000 shop chứng kiến doanh thu giảm trong quý II. Tuy vậy, doanh thu trung bình của mỗi nhà bán lại tăng 9% so với quý I và giá trị trung bình mỗi sản phẩm cũng tăng 7%. Điều này cho thấy thị trường đang theo hướng chắt lọc, số lượng nhà bán không chuyên, doanh thu thấp ngày càng giảm.

Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc phân tích thị trường YouNet ECI, cho biết chìa khóa tăng trưởng hiện là khả năng chuyên nghiệp trong từng điểm chạm, từ thị trường đến khách hàng. "Đã qua rồi thời điểm nhãn hàng chỉ cần mở gian hàng trên sàn là có doanh thu mà việc nắm trong tay dữ liệu, biết cách phân tích để liên tục tìm ra hướng đi mới là yêu cầu bắt buộc", ông Lâm nói.

Về dài hạn 3-5 năm tới, ông Lâm dự báo 3 xu hướng chủ đạo sẽ là nguồn động lực tăng trưởng chính cho thương mại điện tử Việt Nam là: thói quen mua sắm trực tuyến mỗi ngày, mua các mặt hàng giá trị cao và shoppertainment phát triển mạnh.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022