"Chúng tôi có mục tiêu rõ ràng khi mở cửa hàng là bắt buộc lãi sau 6 tháng. Tất nhiên, một số cửa hàng không đạt, nhưng nhìn chung 99% cửa hàng đã làm được điều này", bà Điệp chia sẻ tại phiên họp thường niên chiều 14/4 của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (công ty nắm quyền chi phối Long Châu) khi nhiều cổ đông chất vấn việc tăng độ phủ ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả kinh doanh của chuỗi Long Châu.
Theo bà Điệp, mỗi nhà thuốc phải có doanh thu tối thiểu 550 triệu đồng một tháng để đạt điểm hòa vốn ở cấp độ cửa hàng và bắt đầu có lãi. Con số này cao hơn so với mức 400-450 triệu đồng của những chuỗi khác do công ty theo đuổi chiến lược giá rẻ và tập trung vào thuốc. Đây là ngành hàng đóng góp 60% tổng doanh thu của Long Châu, nhưng lại có biên lợi nhuận thấp hơn so với thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, dược mỹ phẩm và hàng tiêu dùng nhanh.
Trong quý đầu năm nay, Long Châu mở thêm khoảng 100 nhà thuốc, chủ yếu ở tuyến huyện và thị trấn. Các cửa hàng này rút ngắn đáng kể số ngày đạt điểm hòa vốn so với khu vực thành phố vì giá thuê mặt bằng lẫn mức độ cạnh tranh thấp hơn.
Nhà thuốc Long Châu tại một vị trí có hai mặt tiền ở Đội Cấn (Hà Nội), tháng 2/2023. Ảnh: Anh Tú
Trả lời câu hỏi của cổ đông về những yếu tố giúp Long Châu thành chuỗi nhà thuốc ở Việt Nam có trên 1.000 cửa hàng, người đứng đầu chuỗi này khẳng định "đó không phải câu chuyện một sớm một chiều, mà bắt nguồn từ sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng" để tạo nên công thức thành công riêng. Bà Điệp liệt kê nhiều yếu tố làm nên công thức này như lựa chọn mặt bằng, đánh giá mật độ dân cư, đàm phán giá thuê, đào tạo dược sĩ, đảm bảo danh mục thuốc đa dạng và giá cạnh tranh.
Theo bà Điệp, Long Châu đặt mục tiêu năm nay có thêm ít nhất 400 nhà thuốc, đưa quy mô lên trên 1.400 nhà thuốc. Việc mở cửa hàng nhanh và sâu vào khu dân cư khiến doanh số của các cửa hàng cũ bị ảnh hưởng, nhưng bà cho rằng mức độ không đáng kể bởi sớm được bù đắp bằng lượng khách hàng mới.
Chuỗi này dự kiến doanh thu cả năm đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 46% so với mức 9.600 tỷ đồng của năm ngoái. Con số này đã tính đến việc sức mua giảm mạnh vì xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Lợi nhuận kỳ vọng tăng trưởng gấp đôi so với mức 52 tỷ đồng, qua đó trở thành động lực tăng trưởng chính cho công ty mẹ.
"Tiềm năng thị trường lớn nên doanh thu bình quân mỗi cửa hàng không thể dừng lại ở con số 1 tỷ đồng như hiện tại. Chúng tôi sẽ làm nhiều dịch vụ để tăng thêm doanh thu, chứ không chỉ mở nhà thuốc và bán thuốc", bà Điệp nói.
Phương Đông