Ngày 5/4, máy bay Bell 505 số đăng ký VN-8650 của Tổng công ty trực thăng Việt Nam (VNH) cất cánh từ đảo Tuần Châu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh gặp sự cố làm 4 hành khách và một phi công thiệt mạng.

Theo nguồn tin của VnExpress, hợp đồng cho toàn bộ đội tàu bay và trách nhiệm hàng không của VNH có thời hạn bảo hiểm từ 21/4/2022 đến 20/4/2023. Đơn vị cung cấp các bảo hiểm này là liên doanh gồm Tổng công ty bảo hiểm PVI (nhà bảo hiểm gốc), Bảo Việt và MIC.

Chương trình bảo hiểm mà VNH mua gồm ba loại: bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của VNH với hành khách và bên thứ ba; bảo hiểm thân tàu bay và bảo hiểm tai nạn cho phi công. Trong đó, bảo hiểm thân tàu bay có phạm vi bảo hiểm là hơn 1,65 triệu USD.

Với phi công, Tổng công ty trực thăng Việt Nam đã mua bảo hiểm tai nạn có mức trách nhiệm 200.000 USD một người.

Bảo hiểm PVI ngày 7/4 đã tạm ứng chi trả bồi thường cho gia đình đại tá phi công 50.000 USD, tương đương 1,18 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ được chi trả ngay sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan.

"Loại bảo hiểm VNH mua cho phi công là bảo hiểm tai nạn con người, có quy định rõ phạm vi và mức chi trả trong hợp đồng với PVI. Do đó, hãng bảo hiểm có cơ sở để tạm ứng và chi trả nhanh chóng dựa trên những điều khoản này", một lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm nói với VnExpress.

2b1b66116f25b37bea34-168070419-9062-8083-1681182807.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G2ze6lOvw0u3uao2ZIoYfA

Máy bay Bell 505, số hiệu VN-8650 trong một lần thực hiện dịch vụ du lịch trước khi gặp nạn. Ảnh: Hoàng Phong.

Với hành khách, loại bảo hiểm mà VNH mua có sự khác biệt với bảo hiểm tai nạn cho phi công, được gọi là bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng trực thăng với khách hàng.

Có nghĩa là, hãng bảo hiểm là đơn vị gián tiếp bồi thường cho hành khách. Công ty trực thăng VNH có trách nhiệm pháp lý với hành khách theo quy định của Luật hàng không. Còn bảo hiểm PVI là bên đứng ra bảo hiểm cho trách nhiệm đó của VNH.

Theo hợp đồng, VNH đã mua bảo hiểm cho trách nhiệm pháp lý của hãng với giới hạn trách nhiệm cho tổn thất của hành khách và bên thứ ba khác tổng giá trị 30 triệu USD một sự cố. Nhưng một chuyên gia bảo hiểm lưu ý, không nên hiểu 30 triệu USD này sẽ chia đều cho số hành khách của một sự cố mà cần theo quy định của Luật Hàng không.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nói, theo Nghị định 97/2020, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là 128.821 SDR, tương đương khoảng 4 tỷ đồng tính tại ngày 11/4. SDR - quyền rút vốn đặc biệt - là đơn vị tiền tệ quy ước thường được sử dụng trong một số thỏa thuận về trách nhiệm vật chất của hãng hàng không với khách hàng.

Ngoài ra, VNH cũng có trách nhiệm bồi thường cho người nhà hành khách các chi phí phát sinh như tìm kiếm cứu nạn, chi phí hồi hương... Tuy nhiên, để xác định được con số bồi thường cụ thể, còn phải chờ vào sự thống nhất giữa hãng trực thăng và người nhà hành khách.

Việc thanh toán bồi thường này sẽ căn cứ vào thoả thuận giữa VNH và thân nhân hành khách, dựa trên đánh giá số tiền yêu cầu bồi thường phù hợp với hoàn cảnh gia đình và tập quán quốc tế trong các trường hợp tương tự.

Theo chuyên gia, với loại bảo hiểm trách nhiệm pháp lý này, việc chi trả sẽ mất thời gian hơn do phụ thuộc vào đàm phán giữa doanh nghiệp trực thăng với người nhà hành khách. Sau khi hãng trực thăng và người nhà thống nhất được mức bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện chi trả.

Quỳnh Trang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022