Chiều 15/11, Quốc hội thông qua Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) với gần 97% đại biểu tán thành.

Báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đại biểu đề nghị cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo Luật về rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số... Việc này nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực này do tiền ảo, tài sản ảo.

Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi rửa tiền thông qua công nghệ sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải một tình tiết tăng nặng như quy định của Bộ luật Hình sự. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung điều khoản quy định về tịch thu tài sản ảo, tiền ảo theo chuẩn mực quốc tế. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về tiền ảo, tài sản ảo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, để phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, một số khuyến nghị như công nghệ mới (tài sản ảo), cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước chưa đưa ngay vào dự thảo Luật hoặc một số khuyến nghị khác sẽ được sửa đổi tại các quy định pháp luật khác có liên quan.

Từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể thực trạng pháp luật về tài sản ảo, đề xuất hoàn thiện thể chế với vấn đề này. Hiện, các bộ, ngành nghiên cứu nên chưa đủ cơ sở để quy định ngay tại dự thảo Luật các biện pháp phòng chống rửa tiền với hoạt động này.

Vu-Hong-Thanh-15-11-jpeg-4514-1668504101.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JJMt0sLfA7Wh_Q-J1nwsZQ

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đọc báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thịnh

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các hoạt động mua bán, trao đổi các tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện thông qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp... tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền cũng như cho chính cá nhân tham gia. Do đó, cơ quan thường trực Quốc hội cho rằng, nghiên cứu các quy định về mua bán, trao đổi tài sản ảo, biện pháp phòng chống rửa tiền thông qua các hoạt động này là cần thiết.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền và rủi ro cho hệ thống tài chính ngân hàng.

Cũng theo luật vừa được thông qua, các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền, gồm: Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền; lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc...

Lần sửa đổi này, luật đã bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Ngoài ra, luật cũng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và thông tin nhận biết khách hàng. Với quy định này, không chỉ đối tượng báo cáo, các tổ chức khác hoặc bên thứ ba hay các bên liên quan khác, gồm cơ quan nhà nước, đều có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước và thông tin khách hàng, giao dịch.

Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương và 66 điều, có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022