Chiều 14/11, anh Nguyễn Ngọc Hoan, tài xế Grab kể phải kiên nhẫn nhích từng chút trước trạm xăng trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) chờ tới lượt đổ. Gần 15 phút trôi qua, Hoan vẫn chưa thể đưa xe gần tới cột bơm nhiên liệu, phía trước anh còn khoảng chục khách cũng đang nhích từng chút, chờ đợi.

"Trong gần chục km từ Cát Linh về Hà Đông, tôi ghé qua 3 cây xăng, và đây là cây thứ tư nhưng vẫn chưa thể đổ được trong khi xe báo cạn nhiên liệu. Cửa hàng thì hàng dài người xếp hàng, nơi thì treo biển tạm hết", anh chia sẻ.

Tại TP HCM, tình trạng nhiều cây xăng hết hàng, đóng cửa tái diễn. Cây xăng trên đường quốc lộ 13, TP Thủ Đức treo biển tạm ngưng hết hàng từ sáng sớm. Nhân viên tại đây cho biết, lượng hàng về khá nhỏ giọt nên hàng không đủ bán cho khách. Cây xăng khác trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp) không có biển hết hàng, nhưng khi có khách ghé nhân viên đều xua tay, thông báo ngưng bán.

Dọc tuyến đường Trịnh Đình Trọng (Tân Phú), Phổ Quang (Tân Bình) từ chiều 13/11, nhiều cửa hàng bán lẻ đều thông báo ngưng bán. Quản lý tại các cửa hàng trên cho hay đã liên hệ đặt hàng với nhà cung cấp nhưng vẫn chưa nhận được thông báo nhận hàng.

Không chỉ TP HCM, Hà Nội, nhiều địa phương khác bắt đầu xuất hiện tình trạng hết xăng, ngừng bán hàng vì không có hàng. Sở Công Thương TP Hải Phòng cho biết, tới ngày 12/11 đã nhận được báo cáo 6 doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động tại 8 cửa hàng xăng dầu, 7 doanh nghiệp xin giảm thời gian bán hàng xuống còn 10 giờ một ngày.

Cuối tuần trước, một số cây xăng bán lẻ tại TP Đà Nẵng cũng rơi vào cảnh bán cầm chừng, hết hàng buộc phải dừng bán. Ngoài ra, một số địa phương khác như Sơn La, Lào Cai, An Giang, Kiên Giang... cũng ghi nhận tình trạng thiếu xăng dầu.

Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Tự Lực I cho hay, nguồn cung hàng vẫn rất khan hiếm dù chi phí kinh doanh đã được điều chỉnh, cập nhật vào giá cơ sở tại kỳ điều hành ngày 11/11.

"Chúng tôi vẫn phải lấy hàng với chiết khấu 0-50 đồng mỗi lít, chấp nhận lỗ mà giờ vẫn không có hàng để lấy, đầu mối cấp rất nhỏ giọt", ông chia sẻ.

Hàng nhập được ít nên khi vừa về, ông chia cho các cửa hàng bán lẻ trong hệ thống. Mỗi nơi bán được trong nửa ngày hoặc nhiều nhất một ngày lại tạm hết. Đây cũng là lý do khiến nhiều cửa hàng chỉ bán hạn chế 50.000 đồng một lần đổ với xe máy, 300.000 đồng với ôtô.

cua-hang-xang-dau-dong-cua-14-3437-2812-1668423662.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PZ0AKCCZYL-QeKlLKGqivQ

Cây xăng trên đường quốc lộ 13 (TP Thủ Đức, TP HCM) hết hàng, sáng 14/11. Ảnh: Thi Hà

Tương tự, giám đốc hệ thống phân phối có 10 cửa hàng ở TP HCM xác nhận, mấy ngày gần đây, cửa hàng vẫn chỉ được cung ứng nhỏ giọt. Nhiều đầu mối lớn phải "thắt lưng buộc bụng" để chia sẻ với đơn vị phân phối, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

"Một đầu mối hứa sẽ cung ứng cho tôi hơn 2.000 m3 xăng vào chiều nay nhưng chia đều cho một vài cửa hàng thì số lượng này cũng chỉ bán được trong khoảng 5-6 giờ", ông cho biết.

Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thắng, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 8 cửa hàng bán lẻ tại Bình Dương cho hay, các cây xăng của ông vẫn mở cửa nhưng với nguồn cung thấp, mỗi cửa hàng cũng chỉ đủ hàng bán trong ngày. "Chịu chiết khấu 0 đồng nhưng để nhập được xăng bán cho người tiêu dùng vẫn rất vất vả", ông Hán nói.

Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam được Bộ Tài chính tăng thêm 290-560 đồng với xăng và dầu là 160-660 đồng một lít từ 11/11. Nhưng theo các đơn vị kinh doanh, mức chi phí vừa được điều chỉnh của cơ quan quản lý vào giá cơ sở vẫn chưa phản ánh đúng, đủ thực tế. Chẳng hạn, theo số liệu Petrolimex báo cáo Bộ Tài chính, chi phí premium nhập khẩu (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu) với xăng RON 92 (loại để pha chế xăng E5 RON 92), chênh lệch 622 đồng; xăng RON 95 là 551 đồng, các mặt hàng dầu cũng chênh 300-680 đồng một lít.

Ngoài ra, từ đầu năm nay còn có các chi phí khác tăng cao bất thường, như chi phí vận chuyển tăng bình quân hơn 30%, dịch vụ thuê ngoài tăng 65% do giá xăng dầu, sản lượng bán cao đột biến...

Tính toán của các đơn vị cho thấy, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng khoảng 600-1.300 đồng một lít, tức gần gấp đôi mức tăng vừa qua của Bộ Tài chính, mới giúp doanh nghiệp hoà vốn. Trên cơ sở đó, theo họ, sẽ giải quyết được tình trạng thiếu xăng dầu.

Đánh giá việc tăng chi phí kinh doanh xăng dầu từ 11/11 giúp giải quyết một phần khó khăn, nhưng ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, quan trọng là khoản chênh lệch tính vào giá, phụ phí premium khi doanh nghiệp mua trong những hợp đồng tháng 11, 12 hiện đã tăng gấp đôi, lên 11 USD. Tức là hiện doanh nghiệp lỗ 5-6 USD một thùng với các chi phí này.

Ông nói thêm, thực tế mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam là chi phí doanh nghiệp đã chi từ tháng 7 đến tháng 9. Sau khi được điều chỉnh chi phí vào 11/11, doanh nghiệp vẫn đang thiếu khoảng 6 USD, do đó càng khó khăn, nhập về lỗ gần 1.000 đồng một lít. "Đây là vấn đề cần phải xem xét để giải quyết thấu đáo trong thời gian tới", ông nói.

Để gỡ rối cho thị trường xăng dầu, ngoài tính đúng, đủ chi phí cho doanh nghiệp, theo các chuyên gia, Bộ Công Thương - cơ quan có trách nhiệm trong điều tiết, quản lý nguồn cung xăng dầu, cần sát thị trường, dự báo khu vực nào sẽ thiếu cung để điều phối từ khu vực tồn kho lớn về nơi thiếu.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nhà chức trách cần rà soát lại kế hoạch nhập khẩu, tiêu thụ của các địa phương những tháng cuối năm và đầu năm sau để có kế hoạch nhập hàng, đáp ứng tối đa nguồn cung.

Ông đề nghị xem xét lại mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay, đảm bảo tính công bằng, hợp lý với các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc với các đơn vị mua lại.

Bộ Công Thương hôm 12/11 có công điện yêu cầu doanh nghiệp đầu mối, phân phối phải ký cam kết cung ứng đủ đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Yêu cầu của bộ này đưa ra sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về khắc phục ngay thiếu hụt xăng dầu trên thị trường.

Anh Minh - Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022