Đà tăng trở lại ở một số mã vốn hóa lớn, cùng với dòng tiền bắt đáy của khối ngoại, vẫn không đủ để đảo chiều tâm lý nhà đầu tư trên thị trường.
Áp lực bán ra chiếm áp đảo từ đầu phiên hôm nay kéo VN-Index về dưới tham chiếu ngay sau phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO). Càng theo thời gian giao dịch, áp lực giảm càng tăng.
Nhóm bất động sản tiếp tục bị bán tháo, nhưng đồng thời sắc đỏ dần lan rộng nhiều nhóm cổ phiếu khác trên thị trường, kể cả những nhóm có xu hướng phục hồi gần đây như ngân hàng, công nghệ hay bán lẻ. Nhà đầu tư quyết cắt lỗ, thoát hàng bằng mọi giá, đẩy nhiều cổ phiếu vào tình trạng "trắng bảng bên mua". Một số cổ phiếu bluechip đi ngược xu hướng chung, như VIC hay MSN, chỉ làm giảm bớt tác động của sắc đỏ lên chỉ số.
Sang phiên chiều, xu hướng chung không có nhiều thay đổi, thậm chí biên độ giảm có phần nới rộng. Chỉ số của sàn HoSE có thời điểm lùi về sát ngưỡng 900 điểm, mất gần 40 điểm so với tham chiếu. Theo một số chuyên gia, áp lực bán này có thể do hiện tượng bán giải chấp (force sell) chéo khi những mã chạm ngưỡng rủi ro không thể bán được, dẫn tới việc bán tháo những mã còn lại trong danh mục. Đà giảm chỉ thu hẹp bớt khi thị trường bước vào phiên ATC với đà tăng trở lại của một số bluechip.
Chốt phiên, VN-Index mất hơn 29 điểm (3,1%) xuống 911,9 điểm. VN30-Index giảm hơn 31 điểm (3,37%) còn 904,77 điểm. Trên sàn Hà Nội, đà giảm còn mạnh hơn với HNX-Index mất hơn 4%, còn UPCOM-Index giảm hơn 5%.
VN-Index lùi về gần ngưỡng 900 điểm sau phiên 15/11. Ảnh: VNDirect
Sắc đỏ bao trùm bảng điện với riêng sàn HoSE ghi nhận hơn 400 mã giảm, trong đó có 199 mã giảm sàn, so với hơn 40 mã tăng giá. Nếu tính chung cả HNX và UPCoM, số mã giảm sàn toàn thị trường ghi nhận 380 mã.
Áp lực bán tháo phiên hôm nay không chỉ giới hạn ở nhóm bất động sản, xây dựng. Trong VN30, tình trạng "trắng bảng bên mua" xảy ra với 11/30 mã bluechip, gồm cả một số mã ngân hàng (BID, VPB, MBB, TCB), bảo hiểm (BVH), bán lẻ (MWG) hay công nghệ (FPT). Nhiều cổ phiếu khác trong những nhóm này cũng mất 3-5%.
Ở nhóm vốn hóa trung bình, các mã bất động sản, bán lẻ, xây dựng, cùng nhiều nhóm khác đều chung tình trạng "nằm sàn".
Ngược lại, áp lực giảm của thị trường được đỡ lại một phần bởi đà tăng của một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Cuối phiên, VIC tăng 3,6%, HPG có thêm 2,5%. Hai mã này đều được khối ngoại mua ròng. TPB hay MSN cũng chốt phiên trên tham chiếu.
Dù thị trường lùi về sát ngưỡng hỗ trợ 900 điểm, thanh khoản vẫn giảm so với những phiên gần đây. Giá trị giao dịch trên HoSE đạt gần 9.800 tỷ đồng, trong đó riêng nhóm VN30 giao dịch hơn 5.200 tỷ. Tỷ trọng giao dịch của 30 mã bluechip chiếm quá nửa toàn sàn HoSE. Khối ngoại hôm nay tiếp tục mua ròng với quy mô hơn 1.000 tỷ đồng.
Minh Sơn