Dữ liệu thống kê bởi Công ty tư vấn thương mại điện tử YouNet ECI (Công ty phân tích dữ liệu và tư vấn thương mại điện tử thành lập năm 2021, trụ sở tại TP HCM) cho biết tổng giá trị giao dịch các dòng điện thoại iPhone trên nền tảng TikTok tháng qua tăng trưởng đến 307% so với tháng 4.

Trong đó, top 3 gian hàng dẫn đầu doanh số lần lượt là FPT Shop, Viettel Store và Di Động Việt. Ba gian hàng này chiếm tổng cộng đến 86,7% thị phần iPhone bán ra trên kênh thương mại điện tử này.

Chia theo từng nhà bán lẻ, có 1.922 chiếc iPhone bán ra từ gian hàng FPT Shop, tăng doanh thu 240% so với tháng 4. Viettel Store và Di Động Việt lần lượt bán ra 576 và 453 chiếc trên TikTok Shop trong cùng thời gian.

chart-1-copy-3-1718003804-1718-5510-3915-1718004634.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q4HXVLl3Z7yoxaCeeFdYPA

Doanh số iPhone trên TikTokShop Việt Nam các tháng. Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: YouNet ECI

iPhone hút hàng trên TikTok Shop tháng qua nhờ các sự kiện kích cầu trong tháng 5, qua những phiên livestream mang về doanh thu được tuyên bố đến "trăm tỷ đồng" trên nền tảng, theo ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc phân tích thị trường của YouNet ECI.

"Như Viettel Store với phiên Mega Live cùng KOL Quyền Leo Daily hay FPT Shop với các phiên livestream hàng tuần. Và những con số tăng trưởng như trên đã cho thấy sự hiệu quả về doanh thu của cách làm này", ông Lâm dẫn chứng.

Tính chung 5 tháng đầu năm, các sản phẩm của Apple (bao gồm Iphone, Macbook, Ipad, Airpods, Apple Watch) đang bán khá tốt trên TikTok Shop, theo nền tảng số liệu thị trường thương mại điện tử Metric.

Cụ thể, chúng mang về cho các đại lý gần 203 tỷ đồng, tăng kỷ lục 955% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, chỉ chưa đến nửa năm, doanh số đã đạt hơn 83% so với toàn năm 2023. Trong đó, Iphone 15 là các dòng sản phẩm bán chạy nhất trên nền tảng này, theo Metric.

Screenshot-2024-06-10-at-14-18-9871-2796-1718004634.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DK1tADjgzpvcbQ9U_D81YQ

Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: Metric

Khi doanh số iPhone và các sản phẩm "nhà táo" tăng vũ bão trên sàn TikTok Shop tại Việt Nam, Apple yêu cầu dừng kinh doanh qua kênh này.

Cụ thể, từ đêm 31/5, nhiều chuỗi bán lẻ ủy quyền của Apple tại Việt Nam như Viettel Store, FPT Shop, Di Động Việt, Hoàng Hà Mobile đều đã gỡ bán các sản phẩm của Apple khỏi giỏ hàng trên TikTokShop.

Nói với VnExpress, đại diện Di Động Việt xác nhận yêu cầu này của Apple. "Hãng cũng không giải thích thêm", đại diện chuỗi cho hay.

Theo các chuyên gia và nhà bán hàng, Apple yêu cầu dừng bán sản phẩm của hãng trên Tiktok Shop đến từ 2 lý do chính. Đầu tiên là gây mất cân bằng thị trường. Các sản phẩm trên sàn này đang được liên tục cắt giá sâu, trợ giá mạnh, nhất là trong các phiên livestream. Từ đó dẫn đến việc so sánh giá không cần thiết và ảnh hưởng tiêu cực tới các kênh offline đang hoạt động hiệu quả.

"Có thể đoán rằng những phiên livestream này đang khiến Apple lo ngại về nguy cơ tạo ra mâu thuẫn với kênh offline. Chúng ta đã từng thấy vấn đề tương tự xảy ra ở những nhãn hàng khác và vì thế dễ hiểu khi Apple đang muốn thận trọng hơn", ông Nguyễn Phương Lâm nói.

Ngoài ra, các phiên livestream doanh số "khủng" cũng được cho là ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu.Công ty nghiên cứu Metric cho rằng thông qua các phiên livestream, hàng chục, hàng trăm tỷ trên nền tảng này mà nhiều người tiêu dùng đánh giá là "lùa gà".

"Sản phẩm của Apple - điển hình là iPhone - chỉ được xem là công cụ để kéo tổng giá trị hàng hóa khiến hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng", phía Metric nhận định. Ngoài ra, trong các phiên live, việc bán iPhone cùng với các sản phẩm khác từ quần áo, tã bỉm tới hàng giả hàng nhái cũng khiến định vị cao cấp được thương hiệu xây dựng từ trước đến nay suy giảm trong mắt khách hàng.

Theo Metric, thực tế nhiều chuỗi bán lẻ đã và đang kinh doanh thành công các sản phẩm Apple trên nền tảng Tiktok Shop với mức tăng trưởng tích cực qua từng năm. Vì vậy, việc Apple yêu cầu ngừng bán trên nền tảng này sẽ ảnh hưởng phần nào đến chiến lược kinh doanh của các nhà phân phối.

Dỹ Tùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022