Đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên mà Mỹ đạt được với các đối tác thương mại kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu lên hầu hết nền kinh tế trên thế giới. Trước đó, ngày 7/5, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng sáng 8/5 (giờ Mỹ) sẽ công bố "một thỏa thuận thương mại với đại diện của một quốc gia lớn".
Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết Thủ tướng Keir Starmer sẽ cập nhật về tình hình đàm phán thương mại với Mỹ trong hôm nay. Nguồn tin khác của Reuters tiết lộ chi tiết thỏa thuận sẽ được công bố.
"Mỹ là đồng minh không thể thiếu của Anh cả về kinh tế và an ninh quốc gia. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận giữa hai nước đang tiếp tục và Thủ tướng cập nhật tình hình mới nhất trong hôm nay", người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết.

Thủ tướng Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng tháng 2/2025. Ảnh: Reuters
Hôm 6/5, một quan chức Anh tiết lộ hai bên nỗ lực giảm thuế nhập khẩu với thép và xe hơi. Đây là hai lĩnh vực đã bị Mỹ áp thuế 25%. Đổi lại, Anh cũng giảm thuế với xe hơi Mỹ và dịch vụ kỹ thuật số - vốn ảnh hưởng đến nhiều đại gia công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, Anh từ chối hạ tiêu chuẩn thực phẩm để các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường này dễ dàng hơn.
Anh hiện chịu thuế nhập khẩu chung là 10% khi đưa hàng hóa vào Mỹ. Nước này không bị áp thuế đối ứng ở mức cao, do mua hàng Mỹ nhiều hơn là xuất sang đây. Dù quy mô thỏa thuận có thể khá nhỏ, việc này cũng có ý nghĩa chính trị lớn với cả hai quốc gia.
Nhà đầu tư hiện theo dõi liệu ông Trump có thể hạ nhiệt cuộc chiến thương mại do chính ông khởi xướng hay không. Giới kinh tế học cảnh báo chính sách thuế của ông có thể khiến lạm phát tăng tốc trở lại và kéo tụt tăng trưởng của Mỹ. Chính phủ Anh cũng tìm cách giảm thiểu tác động từ thuế nhập khẩu này mà không ảnh hưởng đến mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 10/5, giới chức Mỹ và Trung Quốc cũng dự kiến gặp gỡ tại Thụy Sĩ. Việc này đánh dấu bước đầu tiên trong nỗ lực giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện tại, Mỹ áp thuế bổ sung 145% với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng thuế 125%.
Hà Thu (theo Reuters)