Nhiều vướng mắc trong phát triển ngành công nghiệp ôtô được Bộ Công Thương nêu trong báo cáo mới đây gửi Chính phủ. Theo bộ này, hiện có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước.
Nhiều hãng xe lớn trên thế giới cũng có hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, trong đó một số đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Các dòng xe tải, xe bus đã xuất khẩu sang Thái Lan, Philippines.
Với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay đạt 323.892 chiếc, Bộ này đánh giá, đã gấp hơn 1,4 lần mục tiêu đưa ra tại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến 2025, tầm nhìn tới 2035 (là 227.500 chiếc).
Lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng 65-70% nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chỉ ra, quy mô thị trường ôtô ở Việt Nam còn nhỏ để sản xuất quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hoá thấp và giá xe cao.
Hiện, giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với Thái Lan, Indonesia và cao hơn các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ, Nhật Bản.
Thuế và phí cao là lý do chính, theo Bộ Công Thương, khiến giá xe tại Việt Nam cao hơn các nước. Theo quy định, mỗi chiếc ôtô muốn lăn bánh sẽ phải chịu các loại thuế, gồm thuế nhập khẩu (trừ xe sản xuất, lắp ráp trong nước), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, ôtô còn chịu các loại phí, như phí trước bạ, phí kiểm định, phí bảo trì đường bộ, phí cấp biển ô tô, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.
Lý do nữa được Bộ Công Thương nêu, là sản lượng tích luỹ trong nước thấp, tức các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa công suất thiết kế. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước chưa bằng xe nhập, cũng như chưa hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Người dân tham khảo xe Toyota Vios tại triển lãm VMS 2022. Ảnh: Phạm Trung
Đến cuối năm 2022, tổng công suất sản xuất, lắp đặt của các nhà máy ôtô tại Việt Nam đến cuối 2022 là 755.000 xe một năm. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 35% thị phần, còn lại trong nước 65%.
Bộ Công Thương đánh giá, ngành sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra.
Đến nay, giá trị sản xuất chế tạo trong nước với xe bus đạt 60%, xe tải 34-40%, đạt mục tiêu nhưng với xe con thì mới đạt 25%, thấp hơn 5-10% mục tiêu đưa ra.
Bộ Công Thương cho rằng những hạn chế của ngành công nghiệp ôtô có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo đó, dung lượng thị trường nội địa hạn chế, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp, nhiều model khác nhau khiến các công ty khó đầu tư sản xuất hàng loạt. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa đủ khả năng tiếp cận các chuỗi sản xuất ô tô nước ngoài.
GDP bình quân đầu người giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân sở hữu ô tô, vì theo tính toán mức bình quân phải đạt 4.000 USD một năm mới có thể thúc đẩy sự tăng trưởng công nghiệp ôtô. Trong khi các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã có chính sách thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, gây sức ép cạnh tranh lên ngành ôtô Việt Nam.
Mặt khác, tỷ lệ nội địa hoá với xe dưới 9 chỗ ngồi chưa đạt yêu cầu do phần lớn sản phẩm đã nội hoá được như săm lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc quy. Trong khi đó, 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật hiện vẫn phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu cũng phải nhập. Ước tính mỗi năm các doanh nghiệp nhập khoảng 5 tỷ USD linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe.
"Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước thấp. Chính sách phát triển công nghiệp ôtô vừa qua chưa đồng bộ; chưa chủ động về vật liệu cơ bản khi vẫn phải dựa vào nhập khẩu đã làm giảm tính chủ động trong sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm", Bộ này nhận xét.
Việc thu hút vốn FDI phát triển công nghiệp ôtô không có các cơ chế ràng buộc chặt chẽ để các hãng nước ngoài nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, mà chỉ chú trọng hoạt động theo phương thức lắp ráp. Hệ thống giao thông yếu đã ảnh hưởng không nhỏ tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu về sử dụng ô tô của nền kinh tế chưa lớn.
Dù vậy, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ tiềm năng trong khu vực, với mức tăng trưởng bình quân 20-30% một năm. Năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Philippines trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ tư trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Minh Anh