Khảo sát gần đây do New York Life - công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ ba tại Mỹ, thực hiện cho thấy 54% người trưởng thành đã đạt hoặc vượt quá mục tiêu tiết kiệm năm 2022. Khoảng 4.410 người trả lời cho biết đã tiết kiệm trung bình 5.011 USD.
Trong những năm qua, người Mỹ nỗ lực giải quyết các khoản nợ vay sinh viên và nợ thẻ tín dụng, song song đó vẫn lên kế hoạch cho tương lai. Suzanne Schmitt - người đứng đầu bộ phận sức khỏe tài chính tại New York Life, nói với CNBC rằng: "Đặc biệt đối với thế hệ trẻ thuộc Millennials và Gen Z, sự bất ổn đang khiến người trưởng thành có cách nghĩ khác về việc quản lý lối sống".
Theo cuộc khảo sát, số dư tiết kiệm và nợ của người Mỹ khác nhau giữa các thế hệ. Gen Z (11-26 tuổi) đã tiết kiệm được tổng cộng 5.833 USD vào năm 2022. Nhóm này cho biết mục tiêu tiết kiệm trung bình năm nay là 13.882 USD.
Suzanne Schmitt cho biết những người trưởng thành thuộc Gen Z tập trung vào tiết kiệm hơn vì một số lý do. Lớn lên với sự chăm nom của ông bà, cha mẹ đã trải qua thời kỳ khó khăn, Gen Z đã tận mắt chứng kiến tác động của việc quản lý tài chính kém và khủng hoảng kinh tế. Nhóm này cũng hiểu rõ hậu quả của việc ít tiết kiệm và đầu tư yếu kém sẽ khiến tài chính cá nhân rơi vào tình trạng tồi tệ ra sao.
"Nói chung, họ có xu hướng giữ quan điểm thận trọng hơn đối với những thứ như vay nợ và quan tâm hơn đến việc tìm hiểu về tiết kiệm và đầu tư", chuyên gia của New York Life nhận định.
Ưu tiên tiết kiệm hơn hẳn là nhóm Millennials (27-42 tuổi) khi để dành trung bình 6.043 USD. Đây là số tiền tiết kiệm cao nhất trong năm qua ở từng thế hệ. Khoản tiết kiệm của họ cao hơn so với cả những người lớn tuổi và trẻ hơn.
Theo Schmitt, nhóm Millennials giống như Gen Z, tập trung vào việc học cách đưa ra quyết định tài chính thông minh. "Họ đang học cách đánh đổi những nhu cầu hàng ngày của mình để quản lý khoản tiết kiệm khẩn cấp, thanh toán khoản vay sinh viên và nợ thẻ tín dụng nhưng với một lăng kính toàn diện hơn", bà nói thêm.
Dẫu vậy, Millennials cũng có khoản nợ thẻ tín dụng cao đáng kể trong năm 2022. Số dư nợ trung bình của những người được khảo sát là 5.928 USD.
Trong khi đó, Gen X (43-58 tuổi) báo cáo mức tiết kiệm tổng thể thấp nhất trong khảo sát với 3.998 USD. Nhóm này cũng có nợ thẻ tín dụng trung bình cao nhất so với các thế hệ khác, lên đến 7.004 USD.
Những người 43-58 tuổi đang đối mặt với nhiều thách thức bao gồm cân bằng công việc và chăm sóc những người thân yêu lớn tuổi. Schmitt nói: "Họ căng thẳng về việc phải tiết kiệm cho hưu trí, để dành tiền các trường hợp khẩn cấp hàng ngày và kiểm soát nợ nần". Gen X được khảo sát mong muốn nghỉ hưu ở tuổi 65 và hy vọng sẽ tiết kiệm được trung bình 6.010 USD vào năm 2023.
Gen X cùng với phụ nữ là hai nhóm đang cảm thấy khó khăn hơn về quản lý tài chính cá nhân. Họ có số tiền tiết kiệm trung bình thấp hơn và cảm thấy kém tự tin hơn về tài chính so với các nhóm nhân khẩu học khác. Tính chung, phụ nữ chỉ có 3.146 USD để dành trong năm ngoái, còn nam giới tiết kiệm được 7.007 USD.
Cuối cùng, những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số (Baby boomers, từ 59-77 tuổi) tiết kiệm được ít hơn và nợ nhiều hơn so với người trẻ. Nhóm nhân khẩu này để dành trung bình 4.499 USD trong năm 2022 và nợ thẻ 6.785 USD, chỉ đứng sau Gen X.
Khảo sát chỉ ra, những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số dường như cảm thấy an toàn hơn về mặt tài chính so với những người trẻ tuổi. Họ chỉ muốn tiết kiệm khoảng 4.943 USD cho năm nay.
Trong năm tới, nhìn chung người Mỹ muốn tiếp tục củng cố danh mục đầu tư và tài chính của họ. Nhiều người trưởng thành, 41% trong số những người được khảo sát, hy vọng sẽ tập trung vào các vấn đề cơ bản về tài chính. Các mục tiêu tài chính phổ biến nhất trong năm nay bao gồm xây dựng quỹ khẩn cấp (46%), nghỉ hưu ở độ tuổi mong muốn (38%) và trả hết nợ thẻ tín dụng (37%).
Mỗi người nên ưu tiên quản lý nợ, xây dựng khoản tiết kiệm khẩn cấp và tiết kiệm cho hưu trí. Ảnh: CNBC
Chuyên gia New York Life khuyên rằng, để quản lý tài chính cá nhân tốt hơn trước những biến động vĩ mô năm nay, mỗi người nên quản lý nợ, xây dựng khoản tiết kiệm khẩn cấp và tiết kiệm cho hưu trí, ưu tiên chuẩn bị biện pháp bảo vệ trước những cú sốc tài chính. Với những ai chưa thể tự lập kế hoạch, có thể tìm kiếm hướng dẫn từ chuyên gia tài chính đáng tin cậy.
"Giống như sức khỏe thể chất của chúng ta, không có thứ gọi là sức khỏe tài chính hoàn hảo", bà Schmitt nói. Có một kế hoạch tài chính cá nhân tốt và luôn duy trì kỷ luật khi thực hiện sẽ là chìa khóa cho tương lai.
Tiểu Gu
Từ ngày 22/2, eBox tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây. Là nền tảng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, eBox nhằm giúp các độc giả phát triển bản thân, nâng cao giá trị cuộc sống.