Việt Nam có tiềm năng về thị trường tín chỉ carbon rừng với lượng giao dịch 57 triệu tín chỉ mỗi năm, giá tùy cung – cầu ở từng thời điểm.

Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.

Theo các chuyên gia, chất lượng tín chỉ carbon từ rừng phụ thuộc vào tuổi cây, cách chăm sóc cũng như cải tạo đất. Ví dụ, tín chỉ từ rừng dưới 5 năm tuổi hoặc trồng mới, phục hồi rừng (ARR) có chất lượng cao, giá vượt trội hơn so với rừng tự nhiên do khả năng hấp thụ carbon cao.

Ông Trần Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư tín chỉ carbon Việt Nam (Carbon Credits Vietnam), nói tín chỉ ARR đang được nhiều công ty công nghệ nước ngoài hỏi mua tại Việt Nam. Giá mua trung bình 20 USD một tín chỉ, cao gấp nhiều lần sản phẩm từ rừng trồng trước đây đang dần xuống giá do dư cung trên thị trường tự nguyện quốc tế.

Với rừng trồng ở giai đoạn trước, ngoài chất lượng tín chỉ thấp, số lượng tạo ra do hạn chế mất rừng cũng ít hơn, dẫn tới lợi ích tài chính không cao. Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (World Bank) trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam do hạn chế mất và suy thoái rừng (REDD+). Khoản tiền này chi cho 10,3 triệu tấn CO2 giảm thải trên 51,5 ha đất. Tức là, mỗi ha thu được 5 USD, tương đương 120.000 đồng trong gần hai năm. Để nhận được khoản hỗ trợ giảm thải này, cần nhiều công sức kiểm kê, báo cáo, xác lập tín chỉ.

Với phần việc đo đếm phát thải, người bảo vệ rừng phải ghi nhật ký hàng ngày. Công việc này cần công nghệ hỗ trợ như điện toán đám mây, blockchain nhằm đảm bảo tính chính xác và minh bạch của dữ liệu.

Nhưng PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chính sách, Tài nguyên và Môi trường, cho rằng khoản chi trả này chỉ mang tính chất "động viên".

"Quá trình này đòi hỏi chi phí lớn trong khi lợi ích mang lại chưa tương xứng", ông Thọ nói tại tọa đàm về cơ hội, thách thức của thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam vào tháng trước. Bởi lẽ, chi phí liên quan đến phát triển dự án trên do World Bank hỗ trợ. Nếu tự thuê các đơn vị tư vấn, kiểm kê, phí có thể tới 3 USD cho mỗi tín chỉ, trong khi giá bán của loại tín chỉ từ hạn chế mất rừng khá thấp, khoảng 1,2-1,6 USD.

rung-quoc-gia-Cat-Ba-173889457-3143-4368-1738894633.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gzlLCBV7s5mzpuySLro5xw

Rừng quốc gia Cát Bà, Hải Phòng, tháng 4/2024. Ảnh: Lê Tân

Với rừng trồng mới, chuyên gia gợi ý cần tính toán quy mô, loại cây, cách trồng nhằm đảm bảo bài toán tài chính khi bán tín chỉ. Ví dụ, về chọn cây trồng, một hợp đồng tín chỉ carbon trung bình 20 năm, đòi hỏi cây trồng có vòng đời dài tương ứng. Theo đó, các loài cây thu hoạch theo mùa vụ hoặc vòng đời ngắn 5 – 7 năm như keo, hồng... cần tránh.

"Nông dân nên trồng xen canh với cây bản địa, khuyến khích trồng xen với loài gỗ quý như gù hương, lim", ông Trần Quang Minh nói. Những cây này có khả năng hấp thụ carbon trung bình từ 10-18 tấn trên mỗi ha một năm, sẽ đem lại giá trị gỗ cuối cùng vào năm thứ 20, 30 hoặc hàng trăm năm sau.

So sánh lợi ích kinh tế, trồng keo đến năm thứ 8 dự kiến thu về 50 triệu đồng mỗi ha. Còn một cây gù hương 20 năm tuổi có thể bán với giá vài chục triệu, thậm chí tới trăm triệu đồng. Tính trung bình, người trồng sẽ thu về khoảng 20 tỷ đồng mỗi ha tiền gỗ nếu chặt trắng sau khi kết thúc thời hạn bán tín chỉ.

Thực tế, người trồng hiếm khi chặt trắng mà sẽ chặt tỉa một số cây. Số cây được giữ mang lại giá trị lớn hơn trong tương lai. Do đó, bên cạnh nguồn thu từ tín chỉ, phương thức trồng xen gù hương, lim còn bảo vệ giống gen quý ở Việt Nam, biến những khu rừng thành di sản dành cho con, cháu đời sau. Một cây gỗ quý trăm năm tuổi có để đổi được một chiếc xe sang hạng trung, tùy theo giá gỗ từng thời điểm. "Đây là mô hình đã thành công ở Nhật Bản và chúng tôi tính toán sẽ phù hợp với Việt Nam", ông Minh nói.

Theo ông Minh, điều kiện xác lập tín chỉ gồm không có tình trạng chặt trắng 5-10 năm trước khi thực hiện dự án, quy mô tối thiểu từ 20 ha để tối ưu về mặt tài chính cho chủ rừng.

Tín chỉ từ rừng trồng mới, phục hồi rừng (ARR) là một trong những loại được các công ty công nghệ thế giới ưa chuộng. Hồi đầu tháng 2, Microsoft ký kết mua 7 triệu tín chỉ loại này trong 25 năm với Chestnut Carbon, một công ty có trụ sở tại New York (Mỹ). Theo thỏa thuận, Chestnut Carbon sẽ hợp tác với chuyên gia lâm nghiệp và chủ rừng địa phương trồng cây gỗ cứng và thông trên hơn 24.000 ha tại Arkansas, Texas và Louisiana. Dự án nhằm cải thiện chất lượng không khí, nước, đồng thời nâng cao môi trường sống của động vật hoang dã và hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Tín chỉ carbon không phải đích đến duy nhất, nên coi là phần tưởng thưởng cho hoạt động trồng rừng bền vững, theo các chuyên gia. Với những cánh rừng chỉ trồng keo, tràm, quế, Tổng giám đốc Carbon Credits Vietnam khuyến nghị nên theo chứng nhận FSC (tiêu chuẩn quản lý rừng có trách nhiệm được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng quốc tế) nhằm tăng giá trị khai thác gỗ hơn là tín chỉ. Bởi tín chỉ từ rừng độc canh xác lập tốn kém và khó bán.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022