Báo cáo tài chính quý IV/2024 của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - VNS) cho thấy, doanh thu hợp nhất cả năm đạt hơn 1.002 tỷ đồng, sụt gần 18% so với năm 2023. Trong đó, mảng vận tải hành khách bằng taxi chiếm 84,5% tổng doanh thu lại giảm tới 17%.
Giá vốn giảm chậm hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp từ mức 255,6 tỷ đồng của cùng kỳ 2023 về còn 186,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng bị hụt đi 59%, ghi nhận khoảng 14,7 tỷ đồng chủ yếu do giảm lãi tiền gửi và tiền cho vay.
Các nguồn thu kém hơn cùng kỳ nhưng nhóm các chi phí cố định không thay đổi đáng kể. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Vinasun chỉ gần 17,7 tỷ đồng, tương đương 16,5% mức cùng kỳ 2023.
Tuy nhiên trong năm, doanh nghiệp này ghi nhận thêm hơn 37,7 tỷ đồng lãi từ thanh lý tài sản cố định và khoảng 22,9 tỷ đồng thu nhập từ quảng cáo trên taxi. Hai hoạt động trên cũng từng là "phao cứu sinh" giúp hãng thoát lỗ hoặc cải thiện lợi nhuận trong thời gian trước.
Nhờ hai nguồn kể trên, lợi nhuận sau thuế của Vinasun đạt hơn 84 tỷ đồng. Dẫu vậy, con số này vẫn giảm gần 45% so với năm 2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp, lợi nhuận công ty đi lùi.
So với kế hoạch đề ra, hãng taxi này hoàn thành hơn 90,5% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt 3 tỷ đồng so với mục tiêu lợi nhuận. Kế hoạch này được đặt ra khi ban lãnh đạo cho rằng hoạt động kinh doanh năm 2024 có thể bị ảnh hưởng bởi khả năng phục hồi của ngành du lịch - vận tải hành khách, chính sách hỗ trợ tài xế và tỷ lệ chia doanh thu mới, sự cạnh tranh trong ngành, lạm phát và sức mua của khách hàng.
Năm trước, Vinasun đề ra nhiệm vụ trọng tâm là bán xe cũ để đầu tư sang dòng lai xăng - điện, kỳ vọng giúp tiết kiệm nhiên liệu gấp 1,5-2 lần. Với các xe cũ, công ty thanh lý và bán trả chậm cho các tài xế để họ kinh doanh thương quyền.
Sau giai đoạn cắt giảm tài xế, Vinasun cũng tập trung thu hút lại lao động, nhất là những người có tay nghề cao thông qua chính sách phân chia thu nhập tốt hơn. Bằng cách này, hãng taxi kỳ vọng cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng. Mặt khác, đây trở thành lý do được doanh nghiệp đưa ra cho những lần báo cáo kết quả kinh doanh đi lùi trong năm qua.
Một tài xế taxi đang lái mẫu xe hybrid mới của Vinasun. Ảnh: VNS
Gần đây, cơ cấu cổ đông của VNS cũng có nhiều biến động. Quỹ đầu tư TAEL Two Partners - cổ đông ngoại gắn bó từ cuối năm 2013 - đăng ký bán toàn bộ 5 triệu cổ phiếu với lý do cơ cấu lại danh mục đầu tư. Trước đó, quỹ này nhiều lần đăng ký thoái vốn nhưng khá khó khăn trong quá trình giao dịch do tình trạng thị trường không đạt kỳ vọng của họ. Đây được xem như một thương vụ "cắt lỗ" khi thị giá VNS đóng cửa phiên trước Tết (24/1) ở 10.550 đồng, chỉ bằng khoảng một phần năm lần so với thời điểm họ bắt đầu rót vốn.
Song song đó, ông Lê Hải Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn HIPT, cũng trở thành cổ đông lớn khi mua hơn 1,4 triệu cổ phiếu VNS hồi cuối năm trước, nâng sở hữu của cá nhân lên 6,01% và nhóm có liên quan lên 9,4%. HIPT là doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ về an toàn thông tin, hạ tầng công nghệ, phát triển phần mềm.
Tất Đạt