75% các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng. Đây là con số được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá "nổi bật nhất" trong khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý IV/2024.

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết các lĩnh vực như công nghệ, sản xuất, du lịch và năng lượng tái tạo được giới đầu tư châu Âu quan tâm. "Dù đối mặt với những thách thức toàn cầu, môi trường đầu tư tích cực của Việt Nam đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu", ông nói.

Năm ngoái, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 38,23 tỷ USD, thấp hơn 3% so với năm 2023, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư). Điểm sáng là vốn FDI thực hiện tăng 9,4%, đạt 25,35 tỷ USD. Vốn điều chỉnh cũng tăng cả về số lượt dự án (11,2%), lẫn giá trị (50,4%).

Hai đối tác lớn nhất Singapore và Hàn Quốc đều tăng đầu tư tại Việt Nam năm qua, tương ứng 31,1% và 37,5%. Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới, chiếm 28,3%. Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá các nhà đầu tư ngoại tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Năm 2025, kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng 2,7%, "không phải là tin quá tốt", theo Ngân hàng Thế giới (World Bank). Dù lạc quan hơn, ước tính của Liên Hợp Quốc cũng chỉ cao nhích lên 2,8%.

Cùng với đó, nhiều yếu tố lớn chi phối đến tâm lý nhà đầu tư quốc tế như xung đột địa chính trị, chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối sách ứng phó của các nền kinh tế... đều khó đoán định.

Tuy nhiên, các nhóm nghiên cứu dự báo dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn ổn định. Hai chuyên gia Ngô Đăng Khoa và Vũ Bình Minh của Ngân hàng HSBC trong phân tích gần đây, cho rằng vốn ngoại vào sản xuất có khả năng vẫn tăng trưởng.

Đây là kết quả từ các chuyến ngoại giao của các lãnh đạo, mở ra ý định đầu tư từ nhiều công ty, tập đoàn toàn cầu. Trong báo cáo chiến lược nửa đầu 2025, nhóm phân tích từ Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng sự trở lại của ông Trump có thể gây gián đoạn dòng vốn FDI ngắn hạn, khi nhà đầu tư thận trọng đánh giá lại các rủi ro thuế quan.

z6095529284190-8e4c067ca1aa946-1362-1930-1738165475.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jugexEWpYgC3yxxHYlxw2w

Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng vào tháng 1/2025. Ảnh Trần Đạt

Tuy nhiên, về trung và dài hạn, dòng vốn sẽ ổn định và tăng trưởng bền vững. Bởi đảng Cộng hòa nắm quyền tại Mỹ, Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn nhờ dòng vốn FDI thường được hoạch định dài hạn, cũng như các lợi thế nền tảng sản xuất vững chắc, lực lượng lao động có tay nghề cao và vị trí địa lý chiến lược.

"Ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất sang quốc gia khác mà Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến chiến lược nhờ nhiều lợi thế", ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao dịch vụ công nghiệp tại Avison Young Việt Nam, nhận định.

Nói thêm về con số 75% doanh nghiệp châu Âu nhìn nhận Việt Nam là điểm đến lý tưởng, Chủ tịch EuroCham chỉ ra niềm tin ngày càng tăng nhờ đất nước hình chữ S có nền tảng vững chắc về thương mại và chính sách kinh tế.

Cộng đồng nhà đầu tư Nhật Bản cũng có nhìn nhận tương tự, với hơn 56% dự kiến mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Đây là mức cao nhất Đông Nam Á, theo khảo sát năm 2024 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro).

Ba ưu điểm hàng đầu trong mắt doanh nghiệp Nhật Bản là quy mô thị trường, tiềm năng tăng trưởng, chi phí nhân công rẻ và tình hình chính trị - xã hội ổn định. Tất cả vượt trên mức trung bình ASEAN.

Tuy vậy, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ ra rằng Việt Nam cần cải thiện vận hành bộ máy và thủ tục hành chính. Jetro điểm danh 3 yếu tố hàng đầu làm doanh nghiệp Nhật đang chần chừ rót vốn thêm, là thủ tục hành chính, thuế phức tạp và hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thực thi thiếu minh bạch.

"Cải thiện thủ tục hành chính sẽ là lực đẩy cho vốn đầu tư vào Việt Nam", ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại TP HCM nói.

Tương tự, gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong xin giấy phép là những trở ngại được doanh nghiệp châu Âu nêu. Chủ tịch EuroCham Jaspaert ví xây dựng khung pháp lý như xây nhà, muốn vững phải có móng chắc.

"Quy trình pháp lý minh bạch, rõ ràng sẽ giúp đất nước phát triển, cải thiện thương mại và khuyến khích các nhà đầu tư coi Việt Nam là ngôi nhà mới của họ", ông nói.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng rằng việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ sẽ mang lại sự cải thiện đáng kể trong quy trình hành chính. "Đây là đề án khổng lồ và phức tạp, nhưng các thành quả như nền kinh tế phát triển, FDI tăng trưởng, sẽ khiến mọi nỗ lực trở nên vô cùng xứng đáng", Chủ tịch EuroCham Việt Nam nói.

Song song đó, 40% doanh nghiệp châu Âu nói việc cải thiện cơ sở hạ tầng giúp giảm chi phí vận tải, tăng kết nối ngoại thương. TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc văn phòng, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng hệ thống đường cao tốc phía Bắc tương đối tốt và cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa tại phía Nam. "Có một thực tế là thu hút FDI sẽ tốt hơn khi cơ sở hạ tầng đồng bộ", ông nói tại diễn đàn gần đây.

Ngoài ra, chuyên gia khuyến nghị cách xúc tiến hiệu quả chính là chăm sóc chính các nhà đầu tư hiện hữu. Tại diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam vào cuối 2024, ông Nguyễn Đồng Trung, Phó cục trưởng Cục ngoại vụ (Bộ ngoại giao), cho rằng các doanh nghiệp đang làm ăn tại Việt Nam là sứ giả thu hút đầu tư.

Ông Hà Duy Tín, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long), Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VIREA) kể lại kinh nghiệm thực tiễn này. Theo đó, gần 90% dự án đầu tư tại khu công nghiệp Hòa Phú là của các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và Australia. Chục năm trước, nơi đây thu hút dự án FDI nhờ lao động còn rẻ, giá thuê đất thấp.

Tuy nhiên, lợi thế đó giờ đã qua. Vì vậy, giờ đây họ tập trung hỗ trợ, chủ động liên hệ các nhà đầu tư đang hoạt động, tăng đối thoại để tháo gỡ khó khăn và kết nối với chính quyền địa phương.

"Bốn nhà đầu tư Nhật Bản đã kêu gọi hai đồng hương của họ rót vốn vào Vĩnh Long thời gian qua. Đây là chính sách hiệu quả hơn nhiều so với đi xúc tiến nước ngoài", ông Tín kể.

Ông Nobuyuki Matsumoto của Jetro cũng đồng tình. "Các doanh nghiệp sẽ hỏi thăm nhau. Họ nói làm tốt thì các nhà đầu tư tiềm năng sẽ đến. Còn nếu họ bảo còn thách thức thì đồng hương chùn bước", ông nói.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022