Sáng 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai nghị quyết hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết điểm mới trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng là quan điểm phát triển hài hòa các loại hình kinh tế trong 5 năm tới. Trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế". Khu vực này cùng kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là lực lượng nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.
Nhà nước sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu hợp pháp, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân. Theo Thủ tướng, cơ quan quản lý có cơ chế, chính sách giao, đặt hàng khu vực tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia như hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, đường sắt, công nghiệp đường sắt, quốc phòng, an ninh...
Với hơn 940.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và 82% tổng số lao động. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 1,5-2 triệu doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị, ngày 16/4. Ảnh: VGP
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, dự kiến năm nay khoảng 8% trở lên, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.
Theo Thủ tướng, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng điều chỉnh một số chỉ tiêu 2026-2030, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn này từ 10% trở lên mỗi năm. GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD. Cùng với đó, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5% mỗi năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP.
Thủ tướng cho biết dự thảo cũng bổ sung đánh giá về bối cảnh tình hình trong giai đoạn tới. Theo đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp. Nguy cơ "đa khủng hoảng" và chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh này, Việt Nam cũng chịu tác động do độ mở kinh tế lớn, theo Thủ tướng.
Để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực và bảo đảm "thể chế đi trước, mở đường cho đột phá phát triển". Tư duy, phương pháp xây dựng pháp luật sẽ được đổi mới và tổ chức thực thi hiệu quả.
Ông cho hay, Việt Nam bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Việc phân cấp, phân quyền được thực hiện đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng kiểm tra giám sát và năng lực thực thi của các cấp.
Hai Trung tâm tài chính sẽ được xây dựng tại TP HCM, Đà Nẵng, cùng với các đặc khu kinh tế để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển. Cổng đầu tư một cửa quốc gia của Chính phủ và cấp tỉnh sẽ được thành lập. Theo Thủ tướng, việc này nhằm mục tiêu đưa môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia hàng đầu của ASEAN và trong nhóm 30 quốc gia hàng đầu của thế giới vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xác định thực hiện chiến lược thu hút hiệu quả đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, có giải pháp huy động nguồn lực trong nhân dân, khai thác không gian vũ trụ, trong lòng đất và không gian biển. Nhà điều hành sẽ có giải pháp phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài, tăng tỷ lệ nội địa hàng xuất khẩu.
Nguồn lực trung ương sẽ được tập trung cho hạ tầng chiến lược, công trình trọng điểm. Nhà điều hành dự kiến nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng, hình thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, hạ tầng cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế... phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn.
Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được triển khai đầu tư. Dự kiến, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được hoàn thành trước năm 2030. Cùng với đó, trong giai đoạn này một số nhà máy điện hạt nhân sẽ được nghiên cứu đầu tư với quy mô phù hợp, công nghệ mới, an toàn.
Phương Dung