Theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, điều hòa nhiệt độ công suất nhỏ (dưới 18.000 BTU) không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Loại công suất lớn (từ 18.000 đến dưới 90.000 BTU vẫn phải chịu thuế này 10%, tương tự mức duy trì từ 2008 đến nay. Trong khi đó, loại công suất lớn, trên 90.000 BTU không chịu thuế.

Tại phiên thảo luận ngày 9/5, ông Trần Văn Khải, đại biểu chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với điều hòa công suất dưới 90.000 BTU là không hợp lý, do tính chất mặt hàng này đã thay đổi.

"Điều hòa hiện không còn là hàng xa xỉ, mà trở thành nhu cầu phổ biến, thiết yếu cho đời sống người dân ở đô thị, nông thôn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng cao", ông Khải nêu.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa, theo ông, thực tế không làm giảm nhu cầu, thuế cao nhưng người dân vẫn phải sử dụng để đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt.

"Mức áp thuế 10% với điều hòa hiện tại không đúng tinh thần đánh vào hàng xa xỉ hoặc có hại. Ngoài ra, điều hòa công suất nhỏ thường được sử dụng tại hộ gia đình, nên thiếu công bằng khi người thu nhập thấp phải chịu thuế, còn doanh nghiệp hoặc người giàu lắp máy trung tâm công suất lớn lại không chịu thuế", ông Khải nói thêm.

Ông đề nghị bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa dân dụng (dưới 90.000 BTU), chỉ nên đánh thuế hệ thống điều hòa công suất lớn. "Việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa dân dụng sẽ hỗ trợ trực tiếp người dân giảm giá thành, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước mở rộng thị trường", đại biểu nhận định.

Tran-Van-Khai-1746759452-1375-1746761644.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YBlC701gtWZv4K822qfypQ

Ông Trần Văn Khải, đại biểu chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 9/5. Ảnh: Hoàng Phong

Tương tự, ông Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn Thanh Hòa đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa. Bởi việc áp thuế sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất khó khăn, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Việc này cũng làm tăng chi phí dùng điều hòa công suất lớn, trong khi dùng loại này có thể đem lại hiệu quả lớn hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị chỉ nên áp thuế đặc biệt với điều hòa công suất 24.000-90.000 BTU. Bởi điều hòa dưới 18.000 BTU chỉ đáp ứng nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình.

"Hộ gia đình ở căn hộ có 3 phòng, họ lắp một điều hòa 24.000 BTU sẽ tiết kiệm điện, chi phí hơn là sử dụng nhiều máy công suất nhỏ", ông nói.

Trường hợp cần khuyến khích tiết kiệm năng lượng, ông Trần Văn Khải cho rằng thay vì đánh thuế, Nhà nước nên siết tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng với điều hòa. Các giải pháp khoa học công nghệ như phổ biến cảm biến nhiệt thông minh, vật liệu cách nhiệt tốt trong xây dựng... cần được thúc đẩy để giảm nhu cầu sử dụng điều hòa mà không ảnh hưởng đến tiện nghi của người dân.

"Ngân sách có thể giảm một phần thu từ thuế điều hòa, nhưng sẽ được bù đắp bằng lợi ích xã hội dài hạn, khi người dân giảm chi phí sinh hoạt, sức khỏe được đảm bảo hơn trong thời tiết khắc nghiệt và doanh nghiệp bán nhiều sản phẩm hơn", ông Khải góp ý.

Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 13/6.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022