
Đám mây ngũ sắc đầu tiên xuất hiện sau tôn tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn. Ảnh: SG
Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cung thỉnh từ chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TP HCM) về núi Bà Đen (Tây Ninh) chiều 8/5. Đông đảo tăng ni, phật tử đã có mặt về ngọn núi linh thiêng bậc nhất Nam Bộ để chiêm bái xá lợi Phật.
Khoảng 16h, sau nghi lễ tôn trí xá lợi Đức Phật, đám mây ngũ sắc đầu tiên xuất hiện sau tôn tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn. Chỉ 10 phút sau, một đám mây ngũ sắc lại xuất hiện ngay bên cạnh.
Những người chứng kiến dùng điện thoại ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng này. "Thật sự rất đẹp. Tôi cảm thấy mình may mắn khi được có mặt tại núi Bà Đen vào đúng thời điểm linh thiêng này, vừa chiêm bái xá lợi Phật, vừa được tận mắt chứng kiến mây ngũ sắc trên bầu trời", anh Nguyễn Văn Trung, một phật tử đến từ TP HCM chia sẻ.

Mây ngũ sắc được xem là biểu tượng của may mắn, phước lành.
Theo lý giải của các chuyên gia khí tượng, mây ngũ sắc, còn gọi là mây cầu vồng hay mây ánh kim, là hiện tượng quang học xảy ra khi ánh sáng mặt trời bị tán sắc bởi các giọt nước hoặc tinh thể băng nhỏ trong mây. Cơ chế hình thành tương tự cầu vồng nhưng diễn ra trong điều kiện ánh sáng và góc nhìn đặc biệt hơn. Đây là một trong những hiện tượng hiếm gặp, thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.
Không chỉ gây ấn tượng về mặt thị giác, mây ngũ sắc còn mang ý nghĩa biểu tượng trong nhiều nền văn hóa. Với các quốc gia phương Đông, hiện tượng này được xem là điềm lành, biểu tượng của may mắn, hòa bình và sự gắn kết tâm linh.

Ảnh núi Bà Đen do người dân chụp được chiều 8/5.
Còn theo kinh điển Phật giáo, mây ngũ sắc là biểu tượng của phước lành và sự hiện diện của năng lượng giác ngộ từ Chư Phật và Bồ Tát. Màu sắc rực rỡ của mây tượng trưng cho năm đức hạnh và trí tuệ cần có trong hành trình tu tập. Mây ngũ sắc còn được xem là dấu hiệu linh thiêng thường xuất hiện trong các buổi lễ quan trọng hoặc khi các bậc giác ngộ viên tịch.
Sau nghi lễ tôn trí xá lợi Đức Phật, lễ trồng 108 cây bồ đề được cử hành tại Thế giới Bồ Đề Viên trên đỉnh núi Bà Đen đã được thực hiện bởi các cao tăng và các lãnh đạo của các phái đoàn Phật giáo từ 80 quốc gia trên thế giới. Đây là vườn bồ đề đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam với mỗi cây được đánh số gắn liền với tên một quốc gia tham dự đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam.
Cách TP HCM khoảng 100 km, núi Bà Đen từ lâu đã là điểm đến hành hương hàng đầu tại Nam Bộ, nổi tiếng với hệ thống công trình tâm linh quy mô và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Từ ngày 8 đến 13/5, xá lợi Đức Phật được tôn trí tại Trung tâm triển lãm Phật giáo để Phật tử và công chúng chiêm bái. Sau đó, bảo vật sẽ được lưu giữ ở chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Tam Chúc (Hà Nam) để người dân chiêm ngưỡng.
Đại lễ Phật đản Vesak 2025 khai mạc lúc 8h ngày 6/5, kéo dài đến ngày 8/5 tại học viện Phật giáo, huyện Bình Chánh, TP HCM. Đây là lần thứ 4, Việt Nam đăng cai tổ chức trong vòng 17 năm. Ba lần trước diễn ra ở Hà Nội (năm 2008), Ninh Bình (năm 2014) và Hà Nam (năm 2019).

Rất đông du khách xếp hàng trên núi Bà Đen để chiêm ngưỡng xá lợi đã có cơ hội ngắm mây ngũ sắc.
Hà Nguyên