Lô hàng 24 tấn sầu riêng đông lạnh từ Đăk Lăk đã được doanh nghiệp hoàn tất thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc hôm 24/3. Đây là lô hàng đông lạnh đầu tiên được xuất khẩu sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất nhập khẩu vào tháng 8/2024.

Việc xuất khẩu hàng đông lạnh được các doanh nghiệp đánh giá là cơ hội mới cho loại trái cây tỷ USD của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu sầu riêng tươi gặp nhiều khó khăn.

Một lãnh đạo doanh nghiệp tại Đăk Lăk cho hay đơn vị ông đã nộp hồ sơ để xuất khẩu hàng đông lạnh sang Trung Quốc. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, ông tin rằng nếu những lô hàng đầu tiên thành công, quá trình xuất khẩu sau đó sẽ thuận lợi hơn.

Theo Hiệp hội Sầu riêng Đăk Lăk, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị thủ tục cần thiết để đẩy mạnh xuất khẩu với số lượng lớn khi vào chính vụ. Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T, nói đây là cơ hội lớn. Công ty của ông hiện chờ giấy phép từ phía Trung Quốc để nhà máy đóng gói được công nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.

Ông Tùng chia sẻ rằng nhiều năm qua, công ty đã xuất khẩu hàng đông lạnh sang Mỹ, Canada, Hàn Quốc. Với hệ thống công nghệ hiện đại và quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, doanh nghiệp tự tin đáp ứng yêu cầu khắt khe của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng việc xuất khẩu thành công lô sầu riêng tươi đầu tiên là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội tăng trưởng lớn cho ngành hàng này.

Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đăk Lăk, ông Vũ Đức Côn, kỳ vọng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trong năm nay có thể đóng góp ít nhất 600-700 triệu USD, tiến tới tỷ USD trong tương lai.

sau-tien-1743497241-1743497257-4236-1743497479.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Fp73_KQSY-T4JS1jvjx71A

Sầu riêng được thu hoạch tại nhà vườn ở miền Tây. Ảnh: Mạnh Khương

Theo ông Côn, xuất khẩu hàng đông lạnh có nhiều lợi thế. Sầu riêng tươi thường bị kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng Cadimi và chất vàng O, trong khi hàng tách múi đông lạnh gần như không gặp rào cản này. Một số doanh nghiệp tại Đăk Lăk đã thử nghiệm kiểm tra và xác nhận rằng sầu riêng tách múi không có nguy cơ nhiễm các chất này.

Ngoài ra, sản phẩm đông lạnh có thể tận dụng cả các loại trái nhỏ hoặc không đẹp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, giúp giải quyết tình trạng ùn ứ và tránh "được mùa mất giá". Với khả năng bảo quản lên tới một năm, sầu riêng đông lạnh có thể xuất khẩu đến nhiều khu vực nội địa Trung Quốc, thay vì chỉ giới hạn ở thị trường phía Nam như sầu riêng tươi.

Ông Tùng cho biết công nghệ cấp đông ở nhiệt độ dưới -45 độ C giúp tiêu diệt dịch hại, đảm bảo hàng hóa đáp ứng các quy định kỹ thuật từ Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, đại diện Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm đông lạnh sang Trung Quốc phải đăng ký với Tổng cục Hải quan nước này (GACC). Sau khi được GACC phê duyệt, Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật sẽ kiểm tra hồ sơ, sau đó gửi văn bản giới thiệu đến GACC.

Hiện tại, hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam đã được GACC cấp phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc. Đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ rất lớn, không chỉ để ăn tươi mà còn để chế biến thành bánh kẹo, kem, thậm chí làm nguyên liệu nấu lẩu. Dự báo trong thời gian tới, sản lượng sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Nhu cầu tiêu thụ trái cây này tại Trung Quốc đạt khoảng 1,5 triệu tấn mỗi năm, trong khi sản lượng nội địa không đủ đáp ứng. Mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu trồng sầu riêng tại đảo Hải Nam với diện tích khoảng 2.700 ha, lượng cung vẫn chưa đáng kể. Sầu riêng đông lạnh với lợi thế bảo quản dài ngày và vận chuyển thuận tiện đang trở thành giải pháp quan trọng cho hàng Việt Nam.

Năm 2024, Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Theo thống kê từ Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu khoảng 1,56 triệu tấn sầu riêng, trị giá gần 7 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và 4% về giá trị so với năm 2023.

Việt Nam hiện chiếm 42,1% thị phần nước này với kim ngạch gần 3 tỷ USD, tăng 38% so với năm trước, trong khi Thái Lan vẫn dẫn đầu với hơn 4 tỷ USD nhưng lại giảm 12,1%. Malaysia và Philippines chỉ đóng góp một phần nhỏ, với xuất khẩu lần lượt đạt 5,7 triệu USD và 32,5 triệu USD.

Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia cung cấp sầu riêng đông lạnh chủ yếu cho Trung Quốc, với tổng giá trị xuất khẩu hàng năm hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của ngành này, các doanh nghiệp Việt kỳ vọng hàng đông lạnh sẽ trở thành một mũi nhọn giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022