Đây là giải pháp được Bộ Công Thương nêu trong văn bản vừa gửi các hiệp hội ngành hàng, logistics, chủ tàu, đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải khi phí vận tải biển tiếp tục leo thang.

Theo cơ quan này, bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, như sử dụng vận tải đa phương thức kết hợp. Đơn cử, doanh nghiệp có thể đưa hàng đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó dùng đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ để tiếp tục vận chuyển sang châu Âu.

dji-0828-1721655307-7494-1721655608.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rBqaUjOezS93MQsGmZjqEQ

Cảng Tân Thuận, quận 7, tháng 3/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Kết hợp giải pháp này, Bộ kêu gọi doanh nghiệp xuất nhập khẩu phối hợp với hải quan và cảng nhanh chóng xử lý hàng hóa tồn đọng để tăng luồng lưu thông. Các hiệp hội ngành hàng, logistics cùng Liên đoàn thương mại và công nghiệp (VCCI) mở chương trình đào tạo nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các bên cũng cần hợp tác để giảm tác động của giá cước tăng và xây dựng kế hoạch phòng ngừa rủi ro trong tương lai.

Loạt khuyến nghị được đưa ra trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đạt 369,62 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, giá cước tàu trên các tuyến trọng điểm đang tăng cao. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, giá mỗi container đi châu Âu đang vào khoảng 4.000-5.000 USD, hơn gấp đôi cuối năm ngoái. Cước tàu đi Mỹ cũng tăng tương tự, lên 6.000-7.000 USD mỗi container.

Giá cước vận tải từ Việt Nam đi nước ngoài tăng theo xu hướng chung toàn cầu, khi ngành hàng hải bị ảnh hưởng bởi các xung đột địa chính trị như ở Ukraine, Trung Đông và các cuộc tấn công tàu hàng gần đây của Houthi tại Biển Đỏ, khiến các tuyến đường biển kéo dài hơn và giảm nguồn cung tàu, container. Thời gian qua, các hãng vận tải lớn như Maerskm Hapag-Lloyd cũng đã nâng dự báo lợi nhuận do nhu cầu mạnh mẽ và giá cước cao hơn.

Dỹ Tùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022