Leon Li từng giữ vị trí quan trọng tại một trong những hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Là nhân viên hành chính, cô làm việc ngày đêm để xếp lịch họp, chuẩn bị tài liệu và hỗ trợ các lãnh đạo khi cần. Nhưng tháng 2, Li bỏ nghề nghiệp ổn định với mức lương hậu hĩnh này để làm công việc ít áp lực hơn: dọn nhà.

"Cứ mỗi sáng, nghe tiếng chuông báo thức, tất cả những gì tôi nghĩ đến là tương lai mệt mỏi", cô cho biết trên CNN khi nói về công việc văn phòng.

Li (27 tuổi) là một trong những lao động Trung Quốc từ bỏ việc văn phòng áp lực cao để tìm việc tay chân. Xu hướng này đang ngày một lan rộng.

"Tôi thích việc dọn dẹp. Khi chuẩn mực cuộc sống được cải thiện trên cả nước, nhu cầu dọn dẹp cũng tăng vọt", Li cho biết. Cô hiện sống tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Nhưng điều quan trọng hơn cả, là Li thấy hạnh phúc. "Tôi không còn thấy chóng mặt nữa. Áp lực tinh thần ít hơn. Cả ngày tôi đều tràn đầy năng lượng", cô nói.

Leon-Li-1405-1721641796.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NoBF3RUlBwgeOmuCF5KwIg

Leon Li tại Vũ Hàn (Trung Quốc). Ảnh: Leon Li

Li không phải người duy nhất cảm thấy cân bằng cuộc sống - công việc tốt hơn khi bỏ việc văn phòng để làm nghề tay chân. Alice Wang (30 tuổi) cũng từng làm cho một nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, với mức lương 700.000 nhân dân tệ (96.310 USD) một năm.

Nhưng đến tháng 4, cô nghỉ làm, rời Hàng Châu - trung tâm công nghệ của Trung Quốc - để đến Thành Đô làm nghề chăm sóc thú nuôi. Thành Đô cũng có chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Khi kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức, từ bất động sản khủng hoảng, đầu tư nước ngoài giảm sút đến tiêu dùng đi xuống, nhiều người lao động cảm thấy đi làm công ty không còn hấp dẫn nữa.

Quý II, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,7%, thấp hơn quý I và dự báo của giới phân tích. Đây cũng là mức tăng chậm nhất kể từ đầu năm ngoái.

Trung Quốc nổi tiếng với văn hóa làm việc 996 - làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần. Việc này đặc biệt phổ biến tại các hãng công nghệ lớn, các startup và nhiều công ty tư nhân. Mệt mỏi với những ngày làm việc nhiều giờ, những người như Li và Wang bắt đầu suy nghĩ có nên đánh đổi thời gian và sức khỏe để có mức lương cao hay không.

Khi nói về công việc cũ, Wang cho biết cô toàn cảm thấy toàn thân rã rời và thiếu sức sống. Gần như toàn bộ thời gian cá nhân đều dành cho công việc. Nhưng hiện tại, cô cảm thấy khác hẳn.

"Tôi muốn phát triển bản thân. Đó là kế hoạch dài hạn", Wang nói. Hiện tại, cô học nghề chăm sóc thú cưng và mơ ước sau này mở được cửa hàng của riêng mình.

Theo nền tảng tuyển dụng Zhaopin, Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng chuyển từ nhân viên văn phòng sang lao động phổ thông. Trong khảo sát mới nhất công bố tháng trước, nền tảng này nhận thấy nhu cầu việc làm phổ thông, như nhân viên giao đồ ăn, tài xế xe tải, bồi bàn và thợ máy đã tăng gần 4 lần trong quý I so với đầu năm 2019. Nhu cầu nhân viên giao hàng tăng nhanh nhất, với 800%, do 3 năm đại dịch tạo ra văn hóa giao đồ ăn.

Bên cạnh đó, thu nhập của nhóm này cũng ngày càng tăng, hấp dẫn nhiều người trước đây từng từ chối các công việc đó. Sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến giúp thu nhập trung bình tháng của nhân viên giao hàng tăng gấp rưỡi so với năm 2019, lên 8.100 nhân dân tệ (1.100 USD) hiện tại, theo khảo sát của Zhaopin.

Dù vậy, với một số cử nhân đại học, việc làm phổ thông chỉ là bất đắc dĩ. Khi kinh tế chậm lại, họ khó cạnh tranh trên thị trường việc làm hơn. Khảo sát của Zhaopin cho thấy số người tuổi 25 trở xuống nộp đơn ứng tuyển việc làm phổ thông trong quý đầu năm tăng 2,5 lần so với cùng kỳ 2019.

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-24 tuổi tại Trung Quốc từng lên tới 21,3% trong tháng 6/2023. Dù vậy, vài tháng qua, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết con số này chỉ còn quanh 14%.

Trong báo cáo năm ngoái, các nhà kinh tế học tại Macquarie cho biết lĩnh vực dịch vụ, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc từng là nguồn việc làm dồi dào cho người trẻ. Tuy nhiên, nhu cầu đi xuống gần đây khiến các doanh nghiệp này chịu tác động lớn.

David Goodman - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney - cho rằng có sự mất cân đối giữa các ngành đào tạo của trường đại học và nhu cầu thực sự của thị trường. Kinh tế Trung Quốc đang dịch chuyển theo hướng công nghệ cao, công nghệ xanh và dịch vụ. Trong khi đó, các trường vẫn tập trung vào những ngành sản xuất và dịch vụ công, vốn đã bão hòa và không còn hợp thời.

"Vấn đề là giáo dục bậc cao chưa điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi trong cấu trúc kinh tế", ông giải thích.

Dù vậy, một số người cho rằng chuyển sang làm việc phổ thông chưa chắc đã không có stress như Li và Wang nghĩ. Mạng xã hội Trung Quốc gần đây lan truyền một video về nhân viên pha chế nổi nóng với khách hàng khi người này dọa sẽ phàn nàn với chủ quán. Đỉnh điểm, nhân viên này đã ném bột cà phê vào khách, làm dấy lên tranh cãi về thách thức mà các lao động trong ngành dịch vụ phải đối mặt.

Việc bị nhận đánh giá thấp có thể là thảm họa với các nhà hàng, cửa hiệu tại Trung Quốc. Vì người mua hàng thường đọc đánh giá hoặc gợi ý trên mạng xã hội. Việc này khiến các nhân viên chịu sức ép không được làm điều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến công ty.

Một số người dùng Internet chỉ trích cách hành xử của nhân viên pha chế. Nhưng số khách lại tỏ ra thông cảm. "Lương khởi điểm đã thấp rồi, còn bị khách phàn nàn nữa. Họ có thể nghỉ việc nếu stress vì cả công ty và khách", một người nói.

Dù vậy, với Li, việc lau dọn nhà cửa chỉ 6 giờ mỗi ngày vẫn là trải nghiệm tích cực. Cô thích giao tiếp với các khách hàng. Sau mỗi buổi lau dọn sạch sẽ, cô cảm thấy thích thú hơn là hoàn thành một giao dịch kinh doanh.

"Khách hàng luôn cẩn thận rót nước cho chúng tôi. Nếu đến giờ ăn, họ còn đặt đồ cho chúng tôi nữa. Họ liên tục nhắc chúng tôi uống nước và nghỉ ngơi", cô nói.

Đến nay, cô vẫn không hối hận vì bỏ việc văn phòng. "Sau một ngày mệt mỏi, tôi có thể về nhà, ăn và làm bất kỳ điều gì mình thích mà không phải chịu thêm áp lực tinh thần nào", Li nói.

Hà Thu (theo CNN, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022