Bà Nguyễn Thị Hiền ở Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ rằng gia đình bà dự kiến sản lượng vải thiều năm nay giảm 30%, nhưng thực tế khi thu hoạch lại giảm đến 60%. Mất mùa nghiêm trọng khiến giá vải thiều cuối vụ tăng vọt. Nửa tấn vải cuối cùng gia đình bà bán được với giá 80.000 đồng một kg – mức cao nhất từ khi trồng vải đến nay.

Tương tự, ông Giang ở xã Thanh Sơn, Thanh Hà (Hải Dương) cho biết năm ngoái thu hoạch được 11 tấn vải, nhưng năm nay chỉ còn 3 tấn. Giá vải thiều xuất khẩu tăng chưa từng có vẫn không đủ bù đắp chi phí cho gia đình. "Trong vườn, vài cây chỉ còn lác đác trái nhưng chúng to, tròn đều là ngọt đậm đà nên thương lái trả giá tới 100.000 đồng một kg," ông Giang chia sẻ.

Đây cũng là tình cảnh chung của người dân trồng vải tại Bắc Giang và Hải Dương. Theo họ, sản lượng vải cuối vụ giảm mạnh, giá tăng gấp đôi so với đầu vụ nhưng không còn nhiều hàng để bán.

UBND huyện Lục Ngạn thông tin địa phương có 126 điểm thu mua và hơn 1.000 lò sấy, chế biến vải khô. Tuy nhiên, một số điểm cân có những ngày phải tạm ngừng hoạt động vì thiếu hàng.

vai-1718508272-1558-1718508873.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kS0VohucCV4cWPI-8j-v-g

Vải thiều đi xe lạnh vào TP HCM đang được bán lẻ với giá 100.000-120.000 đồng một kg. Ảnh: Thi Hà

Nhà chức trách cũng cho biết giá vải thiều tăng cao mỗi ngày. Các thương lái đi khắp nơi để đặt cọc và gom hàng. Những ngày gần đây, không còn cảnh chen chúc chở vải ra trạm cân hay chợ bán, mà thương lái tới tận vườn thu mua. Tính bình quân, giá vải thiều năm nay cao nhất từ trước đến nay kể từ khi vải trở thành cây trồng hàng hóa quy mô lớn tại địa phương.

Chị Hoàng Anh, một thương lái thu mua vải ở miền Bắc cho biết Thanh Hà gần như hết vải, chị chỉ còn gom mua ở Lục Ngạn. Giá vải tăng cao do nhu cầu lớn từ nội địa và quốc tế. Ngoài việc Trung Quốc mất mùa làm tăng nhu cầu, các đơn đặt hàng từ miền Nam cũng tăng đột biến. Hiện tại, chị chỉ đáp ứng được 50-70% nhu cầu.

"Vải trứng u hồng có giá mua lên tới 200.000 đồng một kg nhưng các vườn không còn hàng vì đã cuối vụ," chị Hoàng Anh nói.

Giá vải tăng cao và nguồn hàng khan hiếm khiến lượng vải miền Bắc vào Nam giảm sút mạnh. Khảo sát tại các cửa hàng và chợ truyền thống ở TP HCM cho thấy vải chỉ xuất hiện lác đác trên quầy kệ một số cửa hàng trái cây, không phổ biến như mọi năm.

Tại các cửa hàng trái cây cao cấp, giá vải trứng u hồng loại 1 vận chuyển đường hàng không lên tới 320.000 đồng một kg, còn vải thiều truyền thống giá 165.000-180.000 đồng một kg, đắt gấp đôi cùng kỳ và tăng 50% so với đầu vụ. Một số siêu thị đã tạm ngừng nhập hàng, số khác bán với giá khoảng 120.000-135.000 đồng một kg nhưng số lượng rất hạn chế.

Tại hệ thống MM Mega Market, vải thiều đang được bán với giá 95.900 đồng một kg, mức giá mới điều chỉnh so với 79.000 đồng một kg cách đây 2 tuần. Còn tại Winmart mỗi kg vải thiều Lục Ngạn đã 85.000 đồng một kg, trước đó giá khuyến mãi 49.900 đồng.

Đại diện MM Mega Market cho hay thông thường vào cuối vụ giá vải thiều sẽ giảm, nhưng năm nay giá mua đã tăng gấp 3 lần năm ngoái do sản lượng tại Bắc Giang và Hải Dương giảm gần 70%. Đầu mùa, MM Mega Market đã ký thỏa thuận với tỉnh Bắc Giang để tiêu thụ khoảng 100 tấn vải thiều nhưng với diễn biến hiện tại sẽ khó thu mua đủ sản lượng.

Còn Central Retail cho biết theo kế hoạch sẽ tiêu thụ 300 tấn vải nhưng với tình hình hiện tại, siêu thị sẽ giảm sản lượng tiêu thụ. Ngay từ đầu vụ, Central Retail đã dự báo do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, năm nay vải thiều mất mùa, sản lượng giảm một nửa so với năm trước, giá bán tăng khoảng 40% so với cùng kỳ.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm nay ước đạt 100.000 tấn. Đến ngày 14/6, nông dân đã thu hoạch 67.000 tấn, trong đó vải chín sớm đạt khoảng 45.430 tấn. Đến nay, 43.000 tấn vải thiều đã tiêu thụ trong nước, còn lại được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính với 23.800 tấn, bên cạnh Nhật Bản, Mỹ, EU, Australia, Dubai và một số nước Đông Nam Á.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022