Tại hội nghị chiều 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đổi mới, tối ưu các sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự. Trong đó, đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực được Thủ tướng nhấn mạnh là "then chốt của then chốt".
Theo Thủ tướng, chế độ đãi ngộ, xử lý trách nhiệm tại các doanh nghiệp nhà nước còn mang tính hành chính, chưa tạo động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường. Phần lớn doanh nghiệp do địa phương quản lý năng lực còn hạn chế, hiệu quả kinh doanh thấp.
Ông đề nghị các doanh nghiệp này tính phương án tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đổi mới công tác cán bộ. Theo đó, họ có thể xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên. Cùng đó, cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương cũng cần được xây dựng phù hợp.
Trước đó, tại buổi gặp hồi tháng 3, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hiện doanh nghiệp nhà nước không có sự tự chủ, người lao động, nhất là cấp quản lý không được khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát huy tối đa năng lực.
"Doanh nghiệp phải chọn, bổ nhiệm quản lý có trình độ, kinh nghiệm, và cần có chế độ tiền lương, lợi ích tương xứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành", Bộ trưởng từng đề xuất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị với doanh nghiệp nhà nước, ngày 15/6. Ảnh: VGP
Tại hội nghị hôm 15/6, Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ cùng Ban Tổ chức Trung ương, Đảng uỷ Khối các doanh nghiệp Trung ương đề xuất công tác cán bộ, tổ chức hợp lý. Việc này, theo yêu cầu của Thủ tướng, phải mang tính đặc thù với doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn bảo đảm hài hoà về chính trị.
Bộ Tài chính sớm nghiên cứu dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tăng phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, năng lực thực thi cho cấp dưới, kiểm tra, giám sát.
Năm 2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 1,65 triệu tỷ đồng, lợi nhuận hơn 125.000 tỷ đồng.
Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu hơn 1,3 triệu tỷ đồng, góp hơn 166.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Riêng 5 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của nhóm này đạt hơn 823.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 28.000 tỷ đồng. Mức này tăng lần lượt 12% và 33% so với cùng kỳ.
Thủ tướng đánh giá năm 2024 có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ. "Thời gian từ nay đến lúc đó không còn nhiều", ông nói, nhấn mạnh các doanh nghiệp nhà nước phải phát huy những thành tựu, khắc phục hạn chế, yếu kém.
Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty xác định rõ vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. "Nếu doanh nghiệp nhà nước không làm trụ cột, đi đầu mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt thì thành phần kinh tế nào làm được?", Thủ tướng đặt vấn đề, thêm rằng mô hình "mỗi bộ ngành có một Viettel, mỗi tỉnh thành có một Becamex" cần được nhân rộng.
Ông nói các doanh nghiệp phải tiếp tục cơ cấu lại, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, xây dựng kế hoạch, lộ trình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển chi tiết.
"Tập đoàn, tổng công ty tăng tích luỹ, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia trên trường quốc tế", ông nói. Tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho một số doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực năng lượng (điện, xăng dầu, than) phải đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt bảo đảm cung ứng điện trong mọi hoàn cảnh. Lĩnh vực lương thực, thực phẩm triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Các tập đoàn, tổng công ty công ích tiếp tục nghiên cứu miễn giảm phí, lệ phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt với nước, cước viễn thông, chi phí logistics, cất hạ cánh. Doanh nghiệp nhà nước xây dựng, phát triển hạ tầng, nhà ở đô thị tập trung phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, riêng năm nay hoàn thành đầu tư 130.000 căn. Các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách, ưu đãi để phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Phương Dung