Theo Fitch, việc điều chỉnh này phản ánh rủi ro tài chính công của Trung Quốc ngày càng tăng. Quốc gia này đang đối mặt với triển vọng kinh tế thiếu chắc chắn trong quá trình chuyển dịch từ tăng trưởng phụ thuộc bất động sản, sang mô hình mà chính phủ Trung Quốc coi là bền vững hơn.
Ficth dự báo thâm hụt ngân sách của Trung Quốc sẽ lên 7,1% GDP năm nay, từ 5,8% năm ngoái. Mức thâm hụt này có thể là cao nhất kể từ năm 2020 - thời điểm các chính sách kiểm soát đại dịch gây sức ép lên tài chính công.
Tuy nhiên, động thái hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc, theo Fitch, không có nghĩa xếp hạng của nước này bị hạ. Trái phiếu chính phủ Trung Quốc hiện giữ ở A+. Đây là mức xếp hạng cao thứ 3 trong thang đánh giá của Fitch.
Một góc thành phố Thượng Hải tháng 4/2022. Ảnh: Reuters
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết cảm thấy "đáng tiếc" với sự điều chỉnh này. "Chúng tôi đã trao đổi kỹ với Fitch Ratings trong giai đoạn đầu. Báo cáo này phản ánh một phần quan điểm của Trung Quốc", thông báo của cơ quan này viết.
Dù vậy, họ cho rằng phương pháp đánh giá của Fitch "không phản ánh được vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế". Cơ quan này giải thích trong dài hạn, việc duy trì thâm hụt ngân sách ở mức vừa phải và tận dụng tối đa các khoản vay sẽ giúp tăng nhu cầu nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện tín nhiệm quốc gia.
Năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 5%, tương đương năm 2023. Dù vậy, mục tiêu này được đánh giá khó đạt, vì nền so sánh cao hơn. Trung Quốc hiện đối mặt với nhiều thách thức, từ chuỗi giảm phát dài nhất từ thập niên 90, khủng hoảng bất động sản đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài suy giảm.
Tháng 12/2023, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s cũng hạ triển vọng của Trung Quốc từ ổn định về tiêu cực. Họ cho rằng nền kinh tế thứ hai thế giới đang gặp rủi ro về cấu trúc và tăng trưởng yếu trong trung hạn, cũng như khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Hà Thu (theo Reuters, CNN)