Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022.
Đến cuối năm, tổng tài sản của EVN và các công ty con là hơn 666.000 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với đầu năm. Trong đó, riêng các khoản tiền gửi ngân hàng ghi nhận hơn 100.000 tỷ đồng. So với năm trước, quy mô tiền gửi ngân hàng của EVN và các công ty con giảm hơn 30.000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các khoản nợ vay và thuê tài chính của EVN và các công ty con ghi nhận hơn 320.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2022. Quy mô nợ phải trả của tập đoàn là hơn 440.000 tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm.
Giữ quy mô tiền gửi ngân hàng lớn giúp EVN ghi nhận khoản doanh thu tài chính hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, giảm bớt phần nào áp lực lãi vay. Năm 2022, tập đoàn thu về hơn 3.700 tỷ đồng lãi tiền gửi, giảm nhẹ so với mức 4.300 tỷ của năm 2021.
Theo giải thích của EVN, việc duy trì số dư tiền gửi ngân hàng của các đơn vị thành viên do nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới.
Ngoài ra, số tiền này được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký. Khoản này cũng để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải (tiêu thụ điện năng), và chi phí cho sản xuất kinh doanh.
Công nhân điện lực TP HCM sửa chữa trên đường dây. Ảnh: Thành Nguyễn
Về hoạt động kinh doanh chính, doanh thu thuần hợp nhất của EVN năm 2022 ghi nhận hơn 463.000 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm hơn 98%, còn lại là doanh thu bán sản phẩm và dịch vụ.
Tuy nhiên, giá vốn tăng cao, tới 17%, khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính của EVN giảm mạnh. Chỉ tiêu này ghi nhận hơn 10.500 tỷ đồng, giảm hơn 70% cùng kỳ.
Hoạt động tài chính cũng sụt giảm khi ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá thấp hơn 7.000 tỷ đồng so với năm trước. Sau khi trừ đi chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, EVN ghi nhận lỗ thuần hợp nhất từ kinh doanh hơn 19.500 tỷ đồng, trong khi năm trước tập đoàn này vẫn lãi thuần từ kinh doanh hơn 17.800 tỷ đồng. Kết quả tập đoàn này báo lỗ ròng hợp nhất năm 2022 hơn 20.700 tỷ đồng.
Theo giải thích của Bộ Công Thương, EVN hiện là đơn vị mua duy nhất trên thị trường để bán lại cho khách hàng, giá điện đầu vào cao nhưng đầu ra do Nhà nước điều tiết, nên gây lỗ.
Trong cuộc họp cuối tháng 3, Bộ cho biết giá sản xuất năm 2022 tăng 9,27% đã khiến EVN lỗ hơn 36.000 tỷ đồng từ sản xuất điện.
Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay, giá nguyên liệu (than, khí) và tỷ giá leo thang là nguyên nhân khiến chi phí mua điện tăng. Chẳng hạn, than pha trộn tăng hơn 34-46% so với giá cùng loại 2021; còn giá than nhập khẩu tăng 163% so với bình quân 2021. Việc này dẫn tới giá mua từ các nhà máy điện than tăng cao.
Ở khâu truyền tải điện, giá thành sản xuất cũng cao hơn 5,56% so với 2021. Ngoài ra, khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia cũng ghi nhận gần 400 tỷ đồng.
Minh Sơn