Chứng khoán đã có hơn 6 phiên liên tiếp giữ sắc xanh với mức tăng lũy kế gần 76 điểm. Chốt phiên 11/7, VN-Index lên sát 1.458 điểm. So với vùng đỉnh lịch sử 1.528 điểm được thiết lập đầu tháng 1/2022, chỉ số còn kém khoảng 70 điểm.

Trong các phiên tăng hơn chục điểm trước đó, thị trường đa phần chốt ở nến xanh cùng thanh khoản cao hơn mức trung bình nhiều ngày cho thấy lực cầu chiếm ưu thế. Thị trường có ghi nhận áp lực bán chốt lời nhưng chỉ xuất hiện cục bộ, không đủ tạo nên xu hướng dẫn dắt.

Giải thích về hiện tượng này, ông Lê Đức Anh, chuyên viên phân tích tại đơn vị tư vấn và ủy thác đầu tư FinSuccess, cho rằng chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn bùng nổ thực sự kể từ cú "sập" hồi tháng 4 bởi vấn đề thuế quan.

Tuy nhiên theo ông, nếu bóc tách kỹ, "họ Vin" với các mã VIC, VHM, VRE và VPL đã đóng góp gần 100 điểm vào VN-Index từ đầu năm tới nay, ngoài ra còn có hệ sinh thái Gelex (GEE, VSC, EIB, VGC...) đang tiếp sức. Trong khi đó, P/E (giá thị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu) hiện tại của thị trường mới chỉ nhỉnh hơn trung vị 5 năm (14 lần) không quá cao. Nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu Vin và Gelex, định giá hiện tại vẫn trong vùng hợp lý.

Ông lấy ví dụ các cổ phiếu ngân hàng, loại trừ một vài mã có hiệu suất tốt vì câu chuyện riêng như STB tăng 28%, TCB tăng 43%... còn lại các mã như ACB, VIB, VPB vẫn đi ngang so với đầu năm và chưa tăng quá nhiều. Đặc biệt là các nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi thuế quan như xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và bất động sản khu công nghiệp, cảng biển thậm chí còn có hiệu suất âm. Theo chuyên gia này, đây là lý do khiến nhà đầu tư vẫn chưa chốt lời nhiều.

Tuy có những cơn "gió ngược" như tỷ giá hay lợi suất trái phiếu chính phủ, các yếu tố vĩ mô cũng có nhiều tín hiệu tích cực hơn, đặc biệt là xu hướng tiếp tục nới lỏng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra tại Mỹ, EU, Anh... Theo ông Đức Anh, đây là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới các lớp tài sản tài chính rủi ro như chứng khoán. Gần đây, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận thanh khoản duy trì ở vùng trên tỷ USD, có lúc vượt 33.000 tỷ đồng mỗi phiên và có xu hướng duy trì tốt.

Từ phiên 11/7, Chứng khoán AIS cho rằng thị trường đã dần có sự phân hóa do hoạt động chốt lời ngắn hạn cùng với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường đã tăng liên tục trong 6 phiên liên tiếp. Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) đã đạt đến giá trị cao trong vùng quá mua. Do đó, thị trường có thể xuất hiện một số rung lắc, điều chỉnh nhẹ trong các phiên giao dịch tới.

Do đó, AIS khuyến nghị nhà đầu tư có thể chốt lời, hiện thực hóa lợi nhuận một số cổ phiếu đã tăng giá mạnh, đạt giá mục tiêu và hạn chế FOMO mua đuổi các mã đã tăng giá mạnh để kiểm soát rủi ro.

Còn phía Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lưu ý rằng ở vùng giá tiệm cận đỉnh lịch sử và sau khi VN30 đã có nhịp tăng giá tốt, nhà đầu tư nên theo dõi các áp lực bán giá cao, xem xét thực hiện hóa từng phần lợi nhuận nếu có.

chungkhoan-15-jpg-1752213539-1385-1752213632.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QiHstmXPGyrC01G92heqaw

Nhà đầu tư đang quan sát bảng giá tại một công ty chứng khoán ở TP HCM. Ảnh: An Khương

Từ hôm qua đến phiên 11/7, ông Đinh Kiến Vương, chuyên viên nghiên cứu và phân tích tại Công ty quản lý quỹ Thành Công (TCAM), cho rằng thị trường tăng chủ yếu nhờ các cổ phiếu trụ kéo điểm, trong khi nhóm vừa và nhỏ dần bị nhuộm đỏ. Điều này báo hiệu nhà đầu tư cá nhân đang muốn bán ra chốt lời, đặc biệt là khi các mã "họ Vin" tăng mạnh - vốn được xem như một chỉ báo cho thấy những nhà tạo lập thị trường đang muốn kéo điểm cho chỉ số chung, dễ dẫn tới rung lắc.

"Nhà đầu tư cá nhân hiện vẫn cầm cổ phiếu nhưng mang tâm lý lo sợ, chỉ cần thị trường rung lắc nhẹ cũng dễ khiến họ lập tức hành động", ông Vương nói và nhắc tới nhịp điều chỉnh hơn 10 điểm vào giữa phiên sáng 11/7.

Chuyên gia cho rằng nhiều nhà đầu tư đã quen với việc VN-Index lên ngưỡng 1.300 điểm sẽ giảm khi tình trạng này đã kéo dài liên tục suốt 2023-2024. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, hành động canh chỉ số để bán ra là không nên. Nhóm phân tích đến từ TCAM nói xu hướng tăng giá chủ đạo sẽ kéo dài suốt quý III khi các điều kiện vĩ mô và chính sách tài khóa đang hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, dòng tiền thông minh (nước ngoài và tổ chức) cũng đang gom ròng, tạo động lực rất tốt.

"Nếu bán quá sớm, nhà đầu tư sẽ dễ rơi vào tình trạng hoang mang không dám mua trở lại khi thị trường tiếp tục tăng giá, thậm chí trở thành nhóm 'đu đỉnh' khó thoát được hàng nếu FOMO mua lại ở giá cao hơn", ông Vương nói.

Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên nâng điểm chốt lời theo thị trường. Ông ví dụ nếu VN-Index đang ở vùng 1.450, điểm chốt lời có thể ở mức 1.430 điểm. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể quan sát thời điểm các cổ phiếu ngân hàng - nhóm dẫn dắt thị trường thời gian qua - giảm cũng là chỉ báo để kích hoạt việc chốt lời.

Dưới góc nhìn phân tích cơ bản, nhà đầu tư có thể quan sát biến động tỷ giá và lãi suất. Theo chuyên gia, khi tỷ giá có dấu hiệu tăng hoặc lãi suất nhích lên, kế hoạch chốt lời nên được kích hoạt.

Ông Lê Đức Anh cho rằng việc chốt lời cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp đầu tư của mỗi người. Với FinSuccess, triết lý đầu tư phần lớn dựa trên phương pháp phân tích cơ bản và sẽ chốt lời dần khi cổ phiếu chạm định giá mục tiêu. Chuyên gia này gợi ý cách đơn giản áp dụng với nhà đầu tư hiện tại là chốt lời dần theo "lô nhỏ", tức không bán hết một lần mà chia thành các "lô" nhỏ, tương ứng với từng mức giá mục tiêu.

"Cách này vừa bảo toàn lợi nhuận đã đạt, vừa 'hứng' thêm phần tăng nếu cổ phiếu còn dư địa", ông nói thêm.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022