Giọng ca gạo cội của làng nhạc cách mạng nói về công việc, cuộc sống, dịp ra mắt bài hát mới - Tôi đã già.

Ca khúc mới của nghệ sĩ. Video: Nhân vật cung cấp
- Điều gì tạo động lực cho bà thu âm nhạc phẩm mới?
- Khi tình cờ nghe ca khúc của nhạc sĩ Vũ Vĩnh Phúc, tôi đồng cảm ca từ dung dị, nhân văn, hợp với lớp trung niên, cao niên. Tôi rất thích những câu như "đời người như chiếc lá", "nhìn qua gương thấy tóc điểm sương", như một sự đúc kết về cuộc sống. Đến một thời điểm nào đó, ai nhìn vào gương cũng sẽ thấy những sợi tóc bạc, nếp nhăn. Đó là quy luật mà con người không thể chống lại.
Tôi cảm thấy những người cao tuổi đang thiếu các sản phẩm nghệ thuật dành riêng cho họ, thiếu sự an ủi, vỗ về bằng tinh thần. Vì thế, tôi tìm mọi cách liên hệ tác giả, xin được hát để lan tỏa góc nhìn lạc quan về tuổi già. Tôi mong khi đã ở nửa sau cuộc đời, chúng ta đều có thể bỏ qua những điều không vui, sống thanh thản, bình yên. Sau hơn 10 ngày, tôi nhận hàng nghìn lời chúc, bình luận tích cực. Phải rất lâu rồi sau Tàu anh qua núi, Làng lúa, làng hoa, tôi mới cảm nhận sự ủng hộ lớn như vậy từ khán giả.

Nghệ sĩ Thanh Hoa trên sân khấu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Bà cảm thấy mình già từ bao giờ và lo lắng về điều gì khi thời gian trôi đi?
- Khi còn ít tuổi, tôi đã thấy mình có suy nghĩ già dặn, chín chắn hơn mọi người. Tôi đa sầu, đa cảm, đa đoan, dễ xúc động, những cảm xúc buồn vui, yêu ghét cũng mạnh mẽ hơn mọi người.
Ngoài 70, nỗi lo lớn nhất của tôi là sức khỏe. Tôi mắc nhiều bệnh - huyết áp cao, mỡ máu, xương khớp yếu. Mỗi khi ốm đau, tôi thấy mình có lỗi vì khiến gia đình đứng ngồi không yên. Lúc nhỏ, bố hay dặn tôi: "Con phải bảo vệ bản thân. Khi con sốt 39 độ C, bố cũng không ốm thay con được. Muốn yêu thương người thân là phải khỏe mạnh".
Tôi rất ngại vì các con bỏ cả việc khi mình ốm, loanh quanh bên giường, liên tục hỏi mẹ không khỏe chỗ nào, uống thuốc chưa. Gần đây, sức khỏe tôi tiến triển tốt. Khi ra sân bay di chuyển trong nước, tôi không còn phải ngồi xe lăn, tự đi bộ được hơn 500 m. Ghi hình một số show, tôi đứng được khá lâu. Tôi không kiêng khem, tập luyện gì, bài thuốc lớn nhất là tinh thần. Tôi cố gắng không sợ bệnh tật, không bận tâm đến những nỗi đau mỏi trên cơ thể, tự nhiên thấy khá hơn.

Nghệ sĩ Thanh Hoa bên chồng - nghệ sĩ xiếc Tôn Thất Lợi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Hiện tại, niềm vui lớn nhất của bà là gì?
- Tôi hạnh phúc vì có gia đình yêu thương. Tôi chẳng có bí quyết gì cao siêu, chỉ tâm niệm luôn sống thật và vô tư. Với chồng, tôi không giấu giếm cảm xúc. Cáu là cáu, giận là giận, chán thì nói "Em chán", "Em không thích". Tôi nghĩ không nên nói dối, bởi khi sự thật trần trụi lộ ra, mọi thứ sẽ đổ vỡ. Tôi được chồng chiều nhưng ngược lại, tôi luôn quan tâm, chăm chút cho anh. Tôi để ý từng bộ đồ, từng món quần áo của ông xã. Khi anh ra đường, tôi cũng sửa sang sao cho anh luôn tươm tất, chỉn chu.
Tôi không bao giờ xưng "tôi" hay gọi chồng là "ông", lúc nào cũng nói "anh - em". Từ ngày mới yêu nhau chúng tôi đã như vậy, chẳng lẽ đến khi già lại phải thay đổi. Tôi vẫn lí lắc trêu đùa chồng suốt ngày. Nhiều lúc, anh đang ngồi, tôi bất chợt ra bá vai bá cổ. Có ngày đi hát được nhiều khán giả cổ vũ, tôi vui nên vừa gặp chồng là hét lên, ôm chầm lấy rồi đấm thùm thụp vào người anh và nói: "Nay em vui quá". Nhiều người nhìn vào và nói: "Bà này già mà còn làm nũng chồng". Tôi nghĩ đó không hẳn là làm nũng mà là phong cách sống.
Tôi có 10 cháu nội, cháu ngoại, vui vẻ khi nhìn chúng trưởng thành. Cháu lớn nhất của tôi đã 30 tuổi, bạn nhỏ nhất chưa tròn một tuổi. Nhiều hôm, bọn trẻ tụ tập, quậy phá khiến nhà cửa lộn tung lên, nhưng cả nhà đều vui vẻ. Với tôi, bạn nào cũng ngoan ngoãn, quan tâm đến bà.

Nghệ sĩ Thanh Hoa hát "Rừng xanh vang tiếng Ta Lư" với Hòa Minzy ở chương trình "Hẹn ước Bắc Nam", tối 22/4 ở Hà Nội. Video: Ban tổ chức cung cấp
- Điều gì khiến bà xuất hiện trên sân khấu nhiều hơn thời gian qua, kết hợp với một số nghệ sĩ trẻ như Hòa Minzy?
- Tôi không trở lại để nổi tiếng hơn, để kiếm tiền hoặc chứng tỏ rằng mình hát vẫn hay. Tôi chỉ sợ khán giả quên Thanh Hoa. Tôi muốn tri ân những người nghe đã yêu mến, chắp cánh cho giọng hát của mình nhiều năm, và biểu diễn như một cách để thông báo rằng tôi vẫn khỏe, đủ minh mẫn để đứng trên sân khấu. Ngoài ra, tôi nghĩ sự xuất hiện của mình như một thông điệp với các nghệ sĩ trẻ: Nếu các em thực sự yêu nghề, đến khi già như tôi, các em vẫn có thể hát và sống được.
- Bà nghĩ gì khi nhìn lại hơn 60 năm sống với âm nhạc?
- Tôi thấy cái được lớn nhất là tình yêu của công chúng. Nghề hát còn cho tôi nhiều phút thăng hoa giữa những tràng vỗ tay giòn giã. Mỗi lần lên sân khấu, tôi thường tưởng tượng có một người đàn ông đẹp trai, mắt nhìn tôi đắm đuối, và tôi say sưa hát cho người ấy nghe. Và có những ngày tôi yêu và hát đến bảy, tám lần như vậy (cười). Âm nhạc rất kỳ lạ, đôi khi như biến tôi thành trẻ thơ. Đôi khi, tôi quên mất mình bao nhiêu tuổi. Ca hát cũng khiến tôi quên đi nhiều vất vả cuộc đời.
Thời của chúng tôi, ca sĩ là những người mang tiếng hát phục vụ nhân dân, đất nước. Công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi ví mình như máy hát. Chúng tôi chỉ ăn lương Nhà nước, tiền bồi dưỡng không đáng là bao. Chúng tôi ai cũng phải giắt lưng nghề phụ. Tôi may quần áo, muối dưa, muối cà bán. Tôi biết may quần đùi, áo bà ba. Thời đi sơ tán, tôi bán dưa rất đắt hàng. Tôi có mẹo lấy một chút nước dưa muối cũ để dùng, cho thêm đường, thêm tỏi và gừng, nên dưa lúc nào cũng thơm và vàng ươm. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm rau, thậm chí có lúc nuôi hàng trăm con chim bồ câu, gà.
Đến nay, tôi vẫn luôn bận rộn với các hoạt động của Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) do tôi làm chủ tịch. Ngoài ra, tôi ấp ủ một số dự án mới, sẽ ra mắt trong nửa cuối năm.
Nghệ sĩ tên thật là Lê Thị Thanh, quê ở Từ Liêm, Hà Nội. Bà bén duyên nghiệp hát từ năm chín tuổi, khi đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát Họa mi của thị xã Hà Đông. Lên 16 tuổi, bà học tại trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội). Sau tốt nghiệp, bà trở thành ca sĩ của Đài phát thanh Giải phóng, được hai nghệ sĩ cải lương Thanh Hùng và Ngọc Thoa nhận làm em nuôi. Nghệ danh Thanh Hoa của bà ghép từ tên hai người này.
Năm 1974, nghệ sĩ đi biểu diễn ở Trường Sơn, phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 1975, bà về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam đến lúc nghỉ hưu vào năm 2006. Tại Đài Tiếng nói Việt Nam, bà là một trong những ca sĩ thu âm nhiều nhất với 400 bản thu, trong đó có nhiều bài làm nên tên tuổi bà như Tình yêu của đất và nước (nhạc sĩ Hoàng Vân), Con kênh ta đào, Khúc hát ru của người mẹ trẻ (nhạc sĩ Phạm Tuyên), Em chọn lối này (nhạc sĩ An Thuyên), Tàu anh qua núi, Tình yêu trên dòng sông quan họ (nhạc sĩ Phan Lạc Hoa). Năm 2001, bà được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Thập niên 1980, khi cuộc hôn nhân đầu với nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đổ vỡ, bà đối diện nhiều tai tiếng. Tuy nhiên, bà chưa từng để những lời đó làm ảnh hưởng bản thân, luôn duy trì sự tích cực. Bà kết hôn lần hai với nghệ sĩ xiếc Tôn Thất Lợi, có một con trai là ca sĩ Tôn Thất Sơn.
Hà Thu