Biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương hiện gồm 7 bậc, thuế suất từ 5% đến 35%. Song biểu thuế dày và dồn ngay ở các bước thu nhập đầu là bất cập được giới chuyên môn nhiều lần góp ý nhà điều hành sửa đổi.
Góp ý về dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, Cục thuế tỉnh Thái Nguyên đề nghị cơ quan soạn thảo chia nhỏ thành nhiều bậc hơn, thay vì để 7 bậc như hiện nay.
Cơ quan này cho rằng Bộ Tài chính có thể nghiên cứu đưa nhóm đối tượng thuộc bậc 1, 2, 3 hiện hành về mức thuế suất thấp hơn để giảm gánh nặng cho người nộp thuế.
"Thực tế, với bậc 1, 2, 3, thu nhập người nộp thuế ở các thành phố lớn cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống", Cục thuế này nêu quan điểm. Cụ thể, họ đề xuất bậc 1 phần thu nhập tính thuế cho bậc 1 là 60 triệu đồng một năm, thuế suất phải chịu 2,5%; bậc 2 với thu nhập tính thuế năm từ 60 - 120 triệu đồng một năm, thuế suất 5%; bậc 3 với thu nhập từ 120 - 216 triệu đồng một năm, thuế suất 10%. Hiện, các bậc thuế này tính theo mức thuế suất lần lượt 5-10-15%.
Công nhân làm việc tại một công ty dệt may ở Đà Nẵng, tháng 6/2024. Ảnh: Nguyễn Đông
Cũng góp ý về biểu thuế,UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế cần điều chỉnh để phù hợp với mức sống hiện nay và tỷ lệ lạm phát. Biểu thuế lũy tiến cũng phải thiết kế với mức tăng dần hợp lý, tránh gánh nặng cho người thu nhập trung bình khá, nhưng vẫn đảm bảo người thu nhập cao đóng góp công bằng.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng góp ý cải tiến biểu thuế theo hướng giảm gánh nặng cho người làm công ăn lương có thu nhập ở các bậc đầu. Phó viện trưởng VEPR Nguyễn Quốc Việt kiến nghị giảm xuống 5 bậc và kéo giãn khoảng cách giữa các bậc thuế.
Cụ thể hơn, Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức nói thuế suất của bậc 1 phải giảm xuống còn khoảng 1-2%; bậc cao nhất là 20%. "Không có lý do gì để thuế thu nhập cá nhân ở bậc 7 hiện là 35%, gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Đức nói.
Chưa kể, theo ông Việt, điều này giúp người nộp thuế ở bậc đầu tiên, nhất là lao động trẻ, có điều kiện tích lũy thu nhập để đầu tư nâng cao năng lực bản thân và ổn định cuộc sống.
"Đây là việc cần thiết thay đổi trong bối cảnh giá nhà đất và các chi phí dịch vụ liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân tại các đô thị lớn ngày càng đắt đỏ", ông Việt nhìn nhận.
Quan điểm này cũng được nhà chức trách ghi nhận. Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần phổ biến tại nhiều nước. Hầu hết các nước sử dụng để thu thuế theo các mức khác nhau với các nhóm người nộp thuế có mức thu nhập khác nhau. Việc này bảo đảm tính công bằng theo chiều dọc của chính sách thuế, tức là số thuế phải trả tăng theo sự gia tăng của thu nhập.
Bộ Tài chính dẫn chứng biểu thuế của Indonesia bao gồm 5 bậc với các mức thuế suất 5%, 15%, 25%, 30% và 35%. Tương tự, Philippines có 5 bậc thuế với các mức thuế suất 15%, 20%, 25%, 30%, 35%.
Song, cơ quan này thừa nhận xu hướng chung gần đây là các nước đang đơn giản hoá biểu thuế thông qua giảm số bậc. Chẳng hạn, một số quốc gia như Malaysia cũng đã giảm số bậc thuế từ 11 bậc (năm 2021) xuống 9 bậc (2024).
Theo đó, Việt Nam có thể nghiên cứu điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập. Việc này nhằm đảm bảo điều tiết vào những người có thu nhập cao, thuận lợi trong kê khai, nộp thuế.
Phương Dung