Các quỹ từ thiện và quỹ đài thọ học phí thuộc nhiều trường đại học của Mỹ đang tăng cường tiếp xúc với tiền số để tham gia vào "cơn sốt" được thúc đẩy bởi lời hứa của Tổng thống Donald Trump về việc biến quốc gia này thành "siêu cường Bitcoin" của thế giới. Tiền số đã vượt trội hơn nhiều so với các loại tài sản khác trong 5 năm qua mặc dù có độ biến động cao. Nhiều người vốn "đứng bên lề" giờ đây cũng nhảy vào cuộc đua vì sợ bỏ lỡ những cơ hội làm giàu vượt trội.
Đại học Austin đang huy động một quỹ Bitcoin trị giá 5 triệu USD. Trước đó hồi tháng 10/2024, Đại học Emory ở Georgia đã trở thành quỹ đài thọ đại học đầu tiên tiết lộ việc nắm giữ các quỹ ETF Bitcoin. Quỹ Rockefeller trị giá 4,8 tỷ USD cũng đang xem xét tăng khả năng tiếp xúc với tiền số sau khi đầu tư vào các quỹ mạo hiểm tài sản số 2 năm trước.
"Chúng tôi không nắm chắc tiền số sẽ diễn biến như thế nào trong 10 năm tới nhưng chúng tôi không muốn bị bỏ lại phía sau khi tiềm năng của nó trở nên đáng kể", Chun Lai, giám đốc đầu tư của quỹ, cho biết.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm tiền số đang báo cáo một dòng vốn từ các quỹ từ thiện và đài thọ mà cho đến vài năm trước vẫn đứng ngoài cuộc chơi. Theo Pantera Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu tập trung vào tài sản kỹ thuật số ở California, kể từ năm 2018 đã chứng kiến sự gia tăng gấp 8 lần về số lượng quỹ đài thọ và quỹ từ thiện tham gia rót tiền. Họ cũng là một trong những nhà đầu tư tổ chức đầu tiên chấp nhận tiền số.
Quỹ đài thọ của Đại học Yale đã đầu tư vào hai quỹ đầu tư mạo hiểm tiền số năm 2018 khi giá Bitcoin chỉ bằng một phần mười so với hiện tại. Britt Harris, cựu giám đốc đầu tư của Công ty quản lý đầu tư A&M thuộc Đại học Texas trị giá 78 tỷ USD, cho biết quỹ đài thọ đại học lớn nhất nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông đã thực hiện "một lượng nhỏ đầu tư thử nghiệm" vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tiền số đầu những năm 2020 như một "chiến lược tương lai tiềm năng hấp dẫn".
Trong thời kỳ đầu của tiền số, hầu hết quỹ đài thọ và từ thiện đều hoài nghi trong vài năm đầu tiên ra mắt tiền số, những năm gần đây họ đã trở nên cởi mở hơn và số tiền rót vào các tài sản kỹ thuật số tăng vọt. Điều này đã làm dấy lên báo động.
"Tôi có những lo ngại đáng kể về việc các nhà đầu tư tổ chức tham gia vào những tài sản tài chính đầu cơ thuần túy và một tài sản không cung cấp nhiều phòng ngừa rủi ro so với các tài sản rủi ro khác", Eswar Prasad, giáo sư tại Đại học Cornell cho biết.
![6spysvv3pro3laigu6ubjp43ae-173-6011-8774-1739331044.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JPKblv4XdlsF3uew52I5LQ](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/12/6spysvv3pro3laigu6ubjp43ae-173-6011-8774-1739331044.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JPKblv4XdlsF3uew52I5LQ)
Các biểu trưng của Bitcoin được đặt trên các tờ đôla Mỹ. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu khó bác bỏ thực trạng rằng tiền số nói chung tăng trưởng tốt hơn các loại tài sản truyền thống khác. Một chỉ số theo dõi 10 loại tiền số có giá trị nhất do Bitwise Asset Management tổng hợp đã tăng 64% mỗi năm trong 5 năm qua. Con số này vượt trội hơn hẳn so với 14,5% đối với chứng khoán Mỹ.
Trong khi tiền số vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể, từ thiếu đơn vị chấp nhận sử dụng đến sự không chắc chắn của chính sách, một số quỹ đài thọ đại học bị thuyết phục về giá trị của chúng trong lâu dài. Chad Thevenot, Phó chủ tịch cấp cao về sự tiến bộ tại Đại học Austin, cho biết quỹ đài thọ của họ sẽ giữ danh mục đầu tư tiền số đã công bố vào tháng 5 trong ít nhất 5 năm. "Chúng tôi nghĩ rằng có giá trị dài hạn ở đó, giống như cách chúng tôi từng nghĩ về cổ phiếu hoặc bất động sản", Thevenot nói.
Quỹ Rockefeller cho biết sẽ xem xét tăng khả năng tiếp xúc với tiền số, chiếm tỷ lệ "một con số thấp" trong tổng danh mục đầu tư. "Không gian tiền số được liên kết với không gian trí tuệ nhân tạo và mức độ số hóa của nền kinh tế. Chúng có thể hữu ích nếu nền kinh tế trở nên số hóa hơn", đại diện quỹ này nhận định.
Quỹ đài thọ của đại học Nebraska không tiếp xúc với tiền số, thận trọng hơn và không có kế hoạch tham gia vào lĩnh vực này cho đến khi nhiều "đồng nghiệp" lâu đời của họ nhảy vào và khung pháp lý trở nên rõ ràng hơn.
Đại diện quỹ cho biết không coi tiền số là một loại tài sản có thể đầu tư do tỷ lệ chấp nhận thấp. Họ chờ đợi các quy định rõ ràng hơn như hướng dẫn về đầu tư tiền số từ Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) để chuẩn hóa ngành. Quỹ này không nghĩ rằng chỉ riêng việc Tổng thống Donald Trump phát hành memecoin của riêng mình sẽ thực sự là chất xúc tác mà nó sẽ đưa mọi thứ trở thành xu hướng chủ đạo.
Tiểu Gu (theo Financial Times)