Pinduoduo - một trong những hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - đã ra mắt trang web mua sắm tại Mỹ có tên Temu hồi tháng trước, bán các sản phẩm thời trang, thể thao và đồ điện tử. Trong tháng 11, ByteDance - chủ sở hữu mạng xã hội TikTok, cũng ra mắt tính năng mua hàng trên nền tảng này tại Mỹ. Song song đó, công ty này mở trang web thời trang có tên If Yooou, có mặt tại Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp.
Cả hai đang tìm cách gặt hái thành công như Shein - thương hiệu thời trang nhanh của Trung Quốc hiện được định giá 100 tỷ USD, có lượng khách hàng lớn ở Mỹ cùng nhiều quốc gia trên thế giới. ByteDance và Pinduoduo hướng đến việc bán các sản phẩm nội địa cho người tiêu dùng nước ngoài, nhất là thị trường tiềm năng như Mỹ và phương Tây. Theo CNBC, động thái này sẽ đặt hai công ty công nghệ Trung Quốc vào cuộc đua với Amazon.
Shein trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến về thời trang lớn tại phương Tây. Ảnh: Bloomberg
Việc bành trướng ra nước ngoài diễn ra vào thời điểm các gã khổng lồ công nghệ ở Trung Quốc tìm cách thức tăng trưởng mới khi môi trường trong nước kém thuận lợi. Riêng với thương mại điện tử, thị trường tỷ dân cũng đang bộc lộ nhiều dấu hiệu bão hòa.
"Tôi cho rằng ByteDance và Pinduoduo đang nắm bắt cơ hội để áp dụng những đổi mới độc đáo của họ vào thị trường nước ngoài", Jacob Cooke - CEO WPIC - một công ty marketing hỗ trợ các thương hiệu nước ngoài bán hàng ở Trung Quốc cho biết.
Dù cùng mục tiêu, chiến lược của Pinduoduo và ByteDance sẽ khác nhau. Tại Trung Quốc, Pinduoduo đã phát triển nhanh chóng bằng cách liên kết trực tiếp với các nhà cung cấp và đưa ra các khoản chiết khấu lớn. Cách này có thể hữu ích khi tìm nguồn cung ứng sản phẩm để bán ở Mỹ với giá thấp.
Trong khi đó, ByteDance có thế mạnh về các thuật toán để hiểu người dùng, cộng với tiềm năng tận dụng hệ sinh thái TikTok cho thương mại. Theo Cooke, đó là những lợi thế rất lớn.
Để cạnh tranh, Temu của Pinduoduo sẽ tìm cách thách thức Amazon về giá. If Yooou của ByteDance sẽ cạnh tranh với Amazon về thời trang - lĩnh vực mà Amazon cũng đang tìm cách chiếm lĩnh thị trường.
Mỹ nổi tiếng có môi trường bán lẻ rất cạnh tranh và hiện là chiến trường chính của các hãng công nghệ Trung Quốc. Theo SCMP, nhóm này quyết "Mỹ tiến" nhờ lợi thế có sẵn về mạng lưới công xưởng tại quê nhà.
Mark Tanner - CEO của hãng nghiên cứu thị trường China Skinny cho biết: "Shein đã cho thấy các công ty Trung Quốc có thể làm rung chuyển và thách thức Amazon trên sân nhà của hãng này".
Lợi thế chính của các doanh nghiệp này là cấu trúc chi phí thấp hơn. Mặt khác, họ cũng đã học được cách kinh doanh ở thị trường Trung Quốc vốn "tiên tiến hơn nhiều". Theo ông, thị trường thương mại điện tử nước này đã đi trước Mỹ trong việc đơn giản hóa giao dịch và nâng cao tính giải trí khi mua sắm.
Các công ty Trung Quốc tăng hiện diện tại Mỹ đúng thời điểm mùa mua sắm nghỉ lễ. Bất chấp lạm phát, ngày hội mua sắm Black Friday và Cyber Monday tại Mỹ vẫn ghi nhận doanh số 9,12 tỷ USD và 11,3 tỷ USD, tăng 2,3% và 5,8% so với năm ngoái, theo Adobe Analytics.
Temu và Shein đã giảm giá tới 90% cho một số mặt hàng. Các phụ kiện như hoa tai có giá dưới một USD và tai nghe có giá chỉ vài USD. Các nền tảng này còn giao hàng miễn phí và giảm giá thêm khi mua nhiều hoặc mua trên mức nhất định. Shein thì giảm giá 10% cho các đơn hàng từ 39 USD trở lên.
Amazon cũng ghi nhận có kỳ mua sắm "lớn nhất từ trước đến nay". Dù vậy, công ty này đang chịu sự giám sát ngày càng chặt chẽ từ cơ quan quản lý Mỹ. Họ cũng đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái theo dự báo, với kế hoạch sa thải hàng nghìn công nhân. Sự cạnh tranh mới từ các ứng dụng Trung Quốc có thể đặt ra thêm thách thức cho công ty này.
Theo DataReportal, TikTok có hơn 136 triệu người dùng ở Mỹ, tính đến tháng 4. Lạm phát cũng buộc người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao và tìm kiếm khuyến mãi nhiều hơn. Điều này khá phù hợp với Pinduoduo.
Mua sắm qua livestream rất phổ biến ở châu Á nhưng lại kém thịnh hành tại Mỹ và châu Âu. Ảnh: Tân Hoa Xã
Dù vậy, theo các nhà phân tích và người trong ngành, con đường thống trị thị trường Mỹ sẽ là một cuộc chiến khó khăn. Mark Tanner cho rằng các hãng thương mại điện tử Trung Quốc sẽ bị thách thức bởi "sự thiếu quen thuộc với thị trường và sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ, như thói quen tiêu dùng, dịch vụ hậu cần và cơ sở hạ tầng, các mối lo ngại về dữ liệu có dính yếu tố Trung Quốc".
George Gu - nhà sáng lập công ty thương mại điện tử xuyên biên giới Newme - nói rằng chi phí kho vận đe dọa khả năng sinh lời của các công ty trên, vì việc vận chuyển các đơn hàng nhỏ bằng đường hàng không rất tốn kém. Ông cảnh báo Temu đang thâm nhập thị trường Mỹ với chi phí hậu cần và đầu tư quảng cáo rất cao.
Jacob Cooke - CEO của WPIC, nêu thêm một khó khăn khác. Hành vi của người tiêu dùng phương Tây có xu hướng ủng hộ mô hình như Amazon. Khách hàng thường đến cửa hàng Amazon để tìm các sản phẩm hoặc thương hiệu cụ thể, sau đó sẽ mua chúng trên mạng ở những lần sau. Ngược lại, các nền tảng của Trung Quốc như Tmall của Alibaba và JD "hoạt động giống như các trung tâm mua sắm ảo".
Cooke cho biết Pinduoduo và ByteDance "có thể làm giảm" thị phần của Amazon trong một số lĩnh vực nhất định, như cách Shein đã làm. Nhưng họ khó gây nguy hiểm cho vị trí thống lĩnh của Amazon trên thị trường thương mại điện tử Mỹ. "Họ phải đối mặt với độ nhận diện thương hiệu thấp và cần xây dựng lòng tin của người dùng", ông lưu ý.
Andy Trương - một thương nhân Trung Quốc bán hàng trên Amazon - tỏ ra hoài nghi về việc các hãng mới tiến vào thị trường Mỹ. Anh sẽ không mở cửa hàng trên Temu ngay lúc này vì lưu lượng truy cập thấp và Amazon lẫn Walmart vẫn là nền tảng mua sắm chính tại Mỹ.
"Khi các nền tảng lớn có nhiều người bán, một số người trong chúng tôi sẽ chọn các nền tảng nhỏ để chiếm vị thế dẫn đầu. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc như Pinduoduo vẫn chưa đủ nổi tiếng ở Mỹ. Họ không có nhiều lưu lượng truy cập như Amazon", anh nói thêm.
Doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ mới phát triển thương mại điện tử ra nước ngoài. Alibaba và JD đã làm điều này vài năm qua. Tại Anh, TikTok đã có tính năng mua sắm nhưng chưa thành công. Dmonstudio - một trang web thời trang dành cho phụ nữ mà ByteDance đã ra mắt trước đó - cũng đóng cửa chỉ sau vài tháng hoạt động. Fanno - một trang thương mại điện tử khác của ByteDance, lại không có nhiều sức hút.
Mua sắm qua phát trực tiếp (livestream) rất phổ biến ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á. Nhưng theo CNBC, hình thức này chưa thực sự phát triển ở châu Âu hoặc Mỹ. Hồi tháng 7, TikTok đã từ bỏ kế hoạch mở rộng mảng thương mại điện tử qua livestream ở châu Âu và Mỹ.
Tiểu Gu (theo CNBC, SCMP)