Gần 30.000 công nhân Boeing thuộc công đoàn IAM (Hiệp hội Công nhân và thợ máy hàng không quốc tế) đã bỏ phiếu đồng ý đình công. Nhóm này hiện lắp ráp Boeing 737 MAX, 777 và 767 tại nhà máy ở Seattle và Portland.

Công nhân Boeing không hài lòng với thỏa thuận sơ bộ mà các lãnh đạo IAM đạt được với Boeing đầu tuần này. Thỏa thuận sơ bộ gồm tăng 25% lương, thưởng 3.000 USD sau khi ký hợp đồng lao động và cam kết lắp ráp máy bay thương mại kế tiếp của Boeing ở Seattle. Tuy nhiên, nhiều người muốn tăng 40% lương như đề xuất ban đầu và lấy lại khoản thưởng hàng năm bị cắt.

boeing-reuters-7320-1726221713.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ypGqffeMMb0P8VxaibBKhA

Công nhân Boeing chờ kết quả bỏ phiếu tại Washington (Mỹ) ngày 12/9. Ảnh: Reuters

Đây là lần đầu tiên người lao động hãng này đình công kể từ năm 2008. "Chúng tôi cần sự tôn trọng, cần giải quyết các vấn đề trong quá khứ và đấu tranh cho tương lai của mình", Jon Holden - một lãnh đạo tại IAM cho biết trước khi công bố kết quả bỏ phiếu.

Việc này diễn ra vài tuần sau khi tân CEO Kelly Ortberg nhậm chức. Ông được bổ nhiệm để đưa Boeing thoát khỏi các vấn đề hiện tại, gồm khủng hoảng an toàn bay, sản xuất chậm trễ và khối nợ lên đến 60 tỷ USD. "Chúng tôi sẵn sàng vào bàn đàm phán thỏa thuận mới", hãng sản xuất máy bay Mỹ khẳng định.

Từ đầu năm, cổ phiếu Boeing đã giảm 36%. Cuộc đình công lần này khiến hãng thêm khó khăn. Trong thư gửi công nhân hai ngày trước, Ortberg cho biết việc đình công "khiến quá trình hồi phục của công ty gặp nguy hiểm, làm xói mòn thêm niềm tin của khách hàng và ảnh hưởng đến khả năng tự quyết định tương lai của hãng".

Nếu kéo dài, không chỉ Boeing bị thiệt hại tài chính, các hãng hàng không đang chờ nhận máy bay và nhà cung cấp linh kiện của hãng này cũng chịu ảnh hưởng. Nghiên cứu của TD Cowen cho biết nếu cuộc đình công kéo dài 50 ngày, hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới có thể thiệt hại 3-3,5 tỷ USD.

CEO Air India Campbell Wilson cho biết từ trước khi cuộc đình công diễn ra, việc giao Boeing 737 MAX "đã có vẻ chậm trễ", sau sự cố máy bay của Alaska Airlines bung thân hồi tháng 1. "Giờ chắc là sẽ còn chậm hơn nữa", ông nói.

Lần gần nhất công nhân Boeing đình công là năm 2008, kéo dài 52 ngày. Việc này khiến hãng mất khoảng 100 triệu USD doanh thu mỗi ngày. Hai hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings và Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Boeing xuống gần mức "không khuyến nghị đầu tư".

Hà Thu (theo Reuters, CNBC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022