Đây là nội dung vừa được bổ sung vào chương trình kỳ họp bất thường lần 2 đang diễn ra. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền Thủ tướng đọc tờ trình, cho biết nguồn kinh phí dự định chuyển này do 24 địa phương đề nghị. Đây là khoản kinh phí đã được phân bổ cho các địa phương này nhưng còn dư trong dự toán ngân sách năm 2021.

Ho-Duc-Phoc-jpeg-2585-1673078713.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CTLkPUsrX2vWOJ7yKHKd0w

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình Chính phủ về chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách 2022, ngày 7/1. Ảnh: Hoàng Phong

Thẩm tra, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân sách, cho biết theo Luật Ngân sách nhà nước thì kinh phí cho phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương không thuộc trường hợp được chuyển nguồn.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhận thấy việc bố trí nguồn cho phòng chống dịch năm 2022 là cần thiết, nên vẫn nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tức là cho phép chuyển gần 5.017 tỷ đồng chi phí phòng, chống dịch 2021 của 24 địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 và huỷ dự toán với số chuyển nguồn không thực hiện, giải ngân đến hết niên độ ngân sách 2022.

Với các địa phương chưa có báo cáo về số tiền phòng, chống dịch năm 2021 còn dư, Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị cắt giảm, huỷ dự toán kinh phí ngân sách địa phương theo quy định. "Các địa phương bảo đảm tự sắp xếp, cân đối nguồn lực để thực hiện, không bổ sung ngân sách trung ương thực hiện nhiệm vụ này", ông Nguyễn Phú Cường nêu.

Việc chuyển nguồn trên nếu được Quốc hội thông qua sẽ bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021, vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

Theo chương trình, dự thảo Nghị quyết này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 9/1.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022