Đây là một trong những điểm mới được nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu, đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Tức là, mức giá điều hành do Nhà nước công bố giống như giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống. Ví dụ, Nhà nước công bố giá bán lẻ với RON 95 là 21.154 đồng một lít thì doanh nghiệp công bố giá bán ra không được cao hơn giá này.

Theo Bộ Công Thương, việc quy định giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo không phản ánh đúng thực tế của từng doanh nghiệp, cũng như những phát sinh mà họ phải bỏ ra.

Chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ khi chi phí tăng cao liên tục, trong khi không được cập nhật, tính đúng, đủ trong công thức tính giá cơ sở nên ảnh hưởng khả năng duy trì kinh doanh và chiết khấu trong hệ thống phân phối. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bất ổn vừa qua.

Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý đề xuất hai phương án. Phương án 1, vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay, nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp chưa được tính, như premium trong nước. Các quy định về phương thức, tần suất xác định chi phí... sẽ được rà soát để đảm bảo tính đúng, đủ vào giá cơ sở xăng dầu.

Phương án 2, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá... Đây được coi là giá định hướng, các doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu này sẽ cộng các chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình. Doanh nghiệp tự kê khai khi thay đổi giá bán, báo cáo liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.

Bộ Công Thương đề nghị chọn phương án 2 với lý do cần đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp Nhà nước. Mặt khác, phương án này đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh của từng doanh nghiệp, hạn chế đầu cơ, găm hàng và khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.

"Khi doanh nghiệp đầu mối được tự quyết định các chi phí kinh doanh, họ sẽ cân đối, duy trì chiết khấu trong hệ thống phù hợp với thực tế cung cầu trên thị trường, nên vấn đề bất cập về chiết khấu được giải quyết", Bộ Công Thương nêu quan điểm.

thay-bang-gia-xang-dau-jpeg-9419-1673073859.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=25XbAAwwYhSzpgcLBV7lLg

Nhân viên cây xăng Petrolimex trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP HCM) điều chỉnh giá xăng ngày 1/12, sau khi Nhà nước công bố mức giá điều hành. Ảnh: Thành Lộc

Ngược lại, nhược điểm khi doanh nghiệp được hoàn toàn xác định, công bố giá bán lẻ, là sẽ có nhiều mức giá trên thị trường. Với khu vực, địa bàn không có nhiều doanh nghiệp xăng dầu cung ứng, hoặc vùng sâu, xa sẽ phát sinh chi phí cao, người dân có thể phải mua xăng dầu giá cao hơn.

Điểm mới nữa tại dự thảo Nghị định lần này là thương nhân phân phối được lấy hàng từ 3 doanh nghiệp đầu mối (hiện nay chỉ được lấy từ một đầu mối).

Theo Bộ Công Thương, việc này nhằm kiểm soát tốt hơn số lượng đơn vị cấp hàng cho hệ thống của thương nhân phân phối, nhưng vẫn đảm bảo linh hoạt để họ hoạt động, nhất là thương nhân có địa bàn kinh doanh rộng, có thể chọn lấy hàng của 3 đơn vị đầu mối tại 3 miền đất nước.

Với các đại lý bán lẻ xăng dầu, Bộ này cho rằng nên tiếp tục duy trì quy định hiện nay về việc chỉ được lấy từ một nguồn cung ứng. Cơ quan này lập luận, quy định như vậy phù hợp với Luật Thương mại, giúp kiếm soát chất lượng, giá bán xăng dầu đến người tiêu dùng. Khi nguồn cung gặp khó khăn, có đơn vị chịu trách nhiệm về cung cấp xăng dầu cho đại lý để cơ quan Nhà nước chỉ đạo, xử lý.

Cùng đó, quyền, nghĩa vụ của đại lý cũng được đảm bảo. Nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn với mức giá khác nhau, họ không có quyền quyết định giá bán, không biết bán theo giá đơn vị nào.

Lần sửa đổi này, cơ quan quản lý cũng đưa ra đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, trên cơ sở cân nhắc kiến nghị từ doanh nghiệp và biến động thị trường vừa qua.

Thị trường xăng dầu năm 2022 có nhiều xáo trộn. Ngoài tác động từ thế giới, nguyên nhân khiến thị trường bất ổn là các doanh nghiệp đầu mối phải nhập hàng ở thời điểm giá cao, bán ra lúc giá thấp nên bị lỗ; chi phí kinh doanh xăng dầu tăng vọt nhưng không được điều chỉnh kịp thời vào giá cơ sở...

Nhiều đề nghị sửa đổi các quy định về điều hành xăng dầu được giới chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý, như thay đổi công thức tính giá, chiết khấu, quy định về thương nhân, đại lý xăng dầu...

Thị trường xăng dầu hiện tạm ổn sau những nỗ lực điều phối từ cơ quan quản lý. Năm nay, tổng nguồn cung xăng dầu tăng 10-15%. Theo đó, Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập 25,9-26,7 triệu m3, tấn xăng dầu, tức tăng 10-15% so với năm 2022.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022