Chỉ số Stoxx 600 theo dõi các cổ phiếu toàn châu Âu đã tăng 3 phiên liên tiếp và hiện tăng 3% kể từ đầu năm. DAX (Đức) cũng tăng 1,8%. CAC 40 (Pháp) lên 1,9%. Chỉ số FTSE 100 tăng 0,4%.
Bất chấp triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu, nhà đầu tư vào cổ phiếu châu Âu vẫn đang lạc quan nhờ hàng loạt số liệu tích cực hơn dự báo. Điều này cho thấy suy thoái tại châu Âu có thể không sâu như lo ngại ban đầu.
Hôm 4/1, Pháp công bố lạm phát tháng 12 là 5,9%, giảm từ 6,2% tháng trước đó. Nguyên nhân chính là giá năng lượng đi xuống.
Tại Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – các số liệu hôm 3/1 cho thấy lạm phát tháng 12 còn 8,6%, giảm so với 10% tháng trước đó. Khoản hỗ trợ chi phí năng lượng của chính phủ cho các hộ gia đình đã giúp giá cả hạ nhiệt.
Một chợ thực phẩm tại Tây Ban Nha. Ảnh: Bloomberg
Lạm phát yếu đi đang làm dấy lên kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bớt nâng lãi suất mạnh tay năm nay. Cơ quan này đã nâng lãi 4 lần liên tiếp kể từ tháng 7/2022
Hoạt động doanh nghiệp tại các nước dùng đồng euro cũng tăng tốc trong tháng 12, theo khảo sát S&P Global công bố hôm qua. Một báo cáo khác cũng của S&P Global còn cho thấy sức ép chuỗi cung ứng và lạm phát với các hãng sản xuất trong khu vực dường như đang hạ nhiệt.
Chris Beauchamp – Giám đốc Phân tích thị trường tại nền tảng giao dịch trực tuyến IG cho biết các thị trường đi lên một phần do lạm phát hạ nhiệt. "Có vẻ nhà đầu tư đã bình tĩnh lại, vì tác động từ xung đột Nga – Ukraine đã được kiềm chế và thời kỳ tồi tệ nhất của các cuộc thảo luận trừng phạt đã chấm dứt", ông nhận xét.
Thị trường Mỹ thì không như vậy, Beauchamp cho biết. Wall Street có khởi đầu năm khá ì ạch, có thể do các cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng lớn hơn so với thị trường châu Âu. Nhóm này gần đây liên tục mất giá. Nasdaq Composite hiện giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái,
Tỷ lệ dự trữ khí đốt thiên nhiên cao, cùng thời tiết ấm bất thường đã giúp tình hình tại châu Âu cải thiện hơn nhiều so với vài tháng trước. Giá khí đốt tự nhiên tương lai tại châu Âu đã giảm 10% kể từ tháng 5, xuống 68 euro (73 USD) một megawatt giờ. Giá này giảm 79% so với đỉnh tháng 8.
Năm ngoái, các nước châu Âu chạy đua làm đầy kho dự trữ khí đốt, khi Nga – từng là nhà cung cấp lớn nhất của họ - giảm mạnh xuất khẩu. Dự trữ hiện đầy 84% - cao hơn nhiều mức 52% cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, châu Âu nhiều khả năng tránh được thiếu hụt năng lượng mùa đông này.
Maximiliano Herrera – nhà khí tượng học cho biết trên CNN rằng nhiệt độ ấm kỷ lục sẽ giúp duy trì dự trữ ở mức cao. Hôm 1/1, ít nhất 8 nước châu Âu ghi nhận ngày tháng 1 ấm nhất đến nay.
Các nhà phân tích Maximilian Uleer và Carolin Raab của Deutsche Bank cho biết nỗi lo về nguồn cung năng lượng khiến chứng khoán châu Âu bị bán tháo năm ngoái. Nhưng hiện tại, nó "dường như không còn hợp lý khi rủi ro thiếu năng lượng trầm trọng đã lắng dịu", họ nhận xét trong báo cáo hôm 4/1.
Hà Thu (theo CNN)