Chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua so với giá bán lẻ và hiện mức thù lao này do các bên tự thoả thuận. Theo dự thảo tờ trình sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến, Bộ đề xuất giữ như hiện nay, tức không quy định mức chiết khấu tối thiểu trong giá cơ sở.

Góp ý về dự thảo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng thống nhất không nên quy định chiết khấu tối thiểu để đảm bảo quyền tự quyết, điều chỉnh linh hoạt. Theo Bộ này, việc không quy định mức chiết khấu tối thiểu nhằm bảo đảm hài hoà lợi ích trong từng giai đoạn, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Quan điểm này ngược với ý kiến của UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài chính và VCCI. Các cơ quan này cho rằng, cần bổ sung quy định tỷ lệ % nhất định mức chiết khấu trên mỗi lít xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Đây là mức thù lao tối thiểu để đại lý bán lẻ hoạt động ổn định, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.

Thực tế, việc không có chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh, theo phản ánh của các doanh nghiệp và một số hiệp hội và địa phương, là nguyên do khiến nhiều đơn vị bán lẻ thua lỗ, đóng cửa ngừng bán hoặc bán cầm chừng nhỏ giọt, gây đứt gãy nguồn cung cục bộ vào cuối năm ngoái và tháng đầu năm nay.

Các đơn vị bán lẻ kiến nghị có quy định chiết khấu tối thiểu 5-6% trong giá bán, để giúp đơn vị bán lẻ - mắt xích phân phối quan trọng đưa xăng dầu tới người tiêu dùng - ổn định tài chính, kinh doanh.

thay-bang-gia-xang-jpeg-2102-1676881336.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RKyNA9k-DJM9mv5l6hqqdw

Nhân viên cây xăng trên đường Phan Xích Long (Quận Phú Nhuận, TP HCM) thay bảng giá bán lẻ xăng E5 RON92 sau thời điểm điều chỉnh giá của cơ quan quản lý, tháng 12/2022. Ảnh: Thành Lộc

Về điều hành giá xăng dầu, góp ý với Bộ Công Thương, cơ quan ngành kế hoạch nêu quan điểm nên duy trì cách thức điều hành như hiện nay và sửa công thức giá cơ sở để tính đúng, đủ chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp; rà soát các quy định về phương thức, tần suất xác định chi phí để có cơ sở điều chỉnh kịp thời.

"Quản lý như vậy sẽ phát huy vai trò của Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, người dân. Giá xăng dầu cũng có sự thống nhất giữa các địa bàn", Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu quan điểm.

Về cho phép đại lý bán lẻ từ nhiều nguồn, dẫn Luật Thương mại, Bộ này đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá tính khả thi với các phương án cho phép, hoặc không cho phép đại lý lấy hàng từ nhiều nguồn, báo cáo Thủ tướng phê duyệt.

Bộ Công Thương cũng cần phân tích, đánh giá và kiểm tra thực tế để đề xuất chu kỳ điều hành giá phù hợp, 10 ngày như hiện nay hay rút ngắn xuống còn 7 ngày, tránh xảy ra hiện tượng thị trường bất ổn như vừa qua.

Theo Nghị định 95 và Nghị định 83 kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối được nhập hàng từ nhiều đầu mối. Ở lần sửa đổi này, Bộ Công Thương đề xuất chỉ nên cho thương nhân phân phối lấy hàng từ 3 đầu mối để kiểm soát chất lượng xăng dầu.

Nêu quan điểm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng quy định thương nhân phân phối chỉ được lấy từ 3 đầu mối là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Tức là, doanh nghiệp được tự do tìm thị trường, khách hàng và ký hợp đồng, trừ một số điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 9 Luật Đầu tư.

Vì thế, cơ quan này đề nghị nhà phân phối được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn và bổ sung nghĩa vụ của các đầu mối trong duy trì, bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thương nhân phân phối khi nguồn cung trên thị trường gặp khó khăn.

Về dự trữ lưu thông, các doanh nghiệp đầu mối, phân phối vẫn phải đảm bảo dự trữ lưu thông bắt buộc lần lượt là 20 ngày và 5 ngày, để giảm áp lực cho ngân sách khi nguồn dự trữ quốc gia chưa được bổ sung.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương chủ trì, xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi quy định nhằm xử lý những bất ổn trên thị trường, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung, an ninh năng lượng quốc gia.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022