Các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đối với Nga đã bóp nghẹt lợi nhuận và phá hỏng hoạt động quốc tế của nhiều ngân hàng nước này. Nhưng sau một năm xung đột Ukraine, tác động của nó với người Nga bình thường ra sao?

Với đa số người dân, những người gửi tiền bằng đồng ruble tại ngân hàng bán lẻ lớn như Sberbank, câu trả lời là "không nhiều". "Không có gì thay đổi với tôi cả", Vyacheslav Fatikhovich, tài xế taxi ở thành phố Yekaterinburg, Urals, cho biết. Theo ông, điều duy nhất là khách hàng thanh toán bằng thẻ ít hơn và dùng tiền mặt nhiều hơn.

Nhờ các biện pháp kiểm soát vốn và nguồn cung đồng ruble dồi dào, Cơ quan quản lý tiền tệ của Nga đã ngăn chặn được tình trạng rút tiền ồ ạt trên quy mô lớn. Dòng người xếp hàng tại các ATM trong những ngày đầu có lệnh cấm vận vào mùa xuân năm ngoái giờ chỉ còn là dĩ vãng.

fed1-7-1676700387-6981-1676700485.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d1DyQNadefz-XW0ydbmfVQ

Các ATM rút tiền của Ngân hàng Raiffeisen ở Moskva, Nga, ngày 11/2. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, với những người đi nước ngoài, muốn chuyển tiền đến đó hoặc đang nắm giữ ngoại tệ, chứng khoán, cuộc sống trở nên phức tạp hơn sau khi các ngân hàng lớn của Nga bị cắt khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu SWIFT.

Những người có tài khoản ngoại tệ chỉ được phép rút 10.000 USD nếu tiền đến tài khoản của họ trước khi các biện pháp cấm vận có hiệu lực từ 9/3/2022. Những người có ngoại tệ gửi vào sau thời gian đó chỉ có thể rút ra bằng ruble.

Việc Visa và Mastercard đình chỉ hoạt động tại Nga cũng đồng nghĩa thẻ của họ được phát hành ở đó ngừng hoạt động khi ở nước ngoài. Điều này gây ra làn sóng đổ xô tìm đến giải pháp thay thế của Nga là thẻ Mir.

Danil Usikov, một doanh nhân 45 tuổi, sống ở Belarus khi thẻ Nga ngừng hoạt động. Nhờ có đủ tiền mặt nên ông không hoảng sợ khi thẻ ngừng hoạt động. "Nhưng vấn đề phải được giải quyết và tôi đã bay tới Moskva, mở thẻ Mir, rồi quay trở lại Belarus và sau đó có thể thanh toán mọi thứ", ông nói.

Tuy nhiên, thẻ Mir đang phải đối mặt với những thách thức ở nước ngoài, khi một số nước không chấp nhận. Vì vậy, với cựu nhà báo Andrey, thẻ UnionPay của Trung Quốc trở thành phương án cứu nguy.

"Tôi đã nhanh chóng mở ba thẻ UnionPay tại các ngân hàng khác nhau của Nga. Tôi cũng đã đến Kazakhstan để lấy thẻ MasterCard ở đó, thứ rất quý giá trong năm qua.", Andrey, hiện đang làm việc bên ngoài nước Nga, cho biết.

Nhiều người Nga đã chuyển ra nước ngoài lo lắng bị trả thù vì quan điểm chính trị hoặc bị kêu gọi tham gia vào xung đột, thì tìm cách rút tiền ra khỏi Nga. Mặc dù một số ngân hàng vẫn có thể truy cập SWIFT và xử lý chuyển khoản xuyên biên giới, nhưng các loại phí đã tăng lên.

Do vậy, họ tìm đến các lựa chọn thay thế, chẳng hạn tiền kỹ thuật số. Ví dụ, người dùng của Binance, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới, chuyển ruble thông qua Tether, một đồng tiền số giá ổn định (stablecoin) neo vào USD.

Số khác còn chấp nhận những cách rút tiền mạo hiểm hơn. Một chuyên gia dịch vụ tài chính, người đã rời Moskva ngay sau khi cuộc xung đột bắt đầu, đã nhờ bạn rút hàng triệu ruble từ tài khoản ở Nga và giao cho một người đàn ông cung cấp dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài tại Moskva.

Đó là một giao dịch hoàn toàn dựa vào niềm tin. Ba giờ sau khi tiền được rút ra tại Nga, một người phụ nữ đến phòng khách sạn của anh ta tại Dubai, mang theo một chiếc túi giấy KFC chứa 50.000 USD.

Hàng nghìn người Nga đã đổ xô đến Dubai vì nhận thấy đây là một điểm đến "thân thiện". Tuy nhiên, việc mở tài khoản ngân hàng ở đó không hề đơn giản, đặc biệt là không có căn cước (ID) của UAE.

Theo kinh nghiệm của một người dùng Telegram tên là Inna trên kênh "Xin chào Dubai" bằng tiếng Nga, việc mở tài khoản ngân hàng mà không cần ID địa phương vẫn được nhưng quá trình xác minh mất từ một đến ba tháng."Và kết quả không phải lúc nào cũng có thể đoán trước được", người này nói.

Còn với các nhà đầu tư Nga, khi phương Tây cấm các giao dịch với ngân hàng trung ương Nga và đóng băng khoảng 300 tỷ USD ở nước ngoài, họ không thể tiếp cận được tài sản của mình.

Ngân hàng trung ương Nga ước tính hơn 5 triệu nhà đầu tư cá nhân, có hơn 320 tỷ ruble (4,28 tỷ USD) nắm giữ cổ phiếu nước ngoài. "Từ 24/2/2022 đến nay, tài sản của chúng tôi vẫn bị đóng băng", nhà đầu tư Svetlana Mavrinskaya cho biết. Một nhà đầu tư khác, Yulia Zykova cho hay cả ngân hàng trung ương và các nhà môi giới đều không làm bất cứ điều gì để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư Nga.

Ngân hàng trung ương Nga cho biết đang làm việc để mở khóa tài sản của các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, với hầu hết người Nga, như Fatikhovich, người lái xe taxi, những mối quan tâm như vậy là xa lạ. "Tôi đi nghỉ ở quê hương, không phải ra nước ngoài. Tôi đã từng nhìn thấy USD, nhưng tất nhiên chưa bao giờ cầm trên tay", ông nói.

Phiên An (theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022