Công việc của Samantha vẫn tốt đẹp khi cô quyết định rời công ty. Cô chỉ muốn theo đuổi một cơ hội mới, nơi cô có thể trở thành một trưởng nhóm và tích lũy thêm các kỹ năng để thăng tiến trong sự nghiệp.

Tuy nhiên, văn hóa của công ty và sếp mới lại không phù hợp khiến cô căng thẳng. Vì thế, chỉ 10 tháng ngắn ngủi sau, Samantha quay lại công ty cũ để đảm nhận một vị trí quản lý mới. Nhờ vậy, công việc của cô ngày càng phát triển.

Trên con đường sự nghiệp, cho dù bạn đang chia tay một công ty vì bị sa thải hàng loạt, để theo đuổi một cơ hội mới hoặc thoát khỏi môi trường độc hai, vẫn có xác suất bạn sẽ đứng trước quyết định quay lại làm việc vì nhiều lý do khác nhau. Và để chừa cho mình một cơ hội trở về thành công, đây là 5 gợi ý.

Hạn chế bêu xấu công ty cũ

Điều này có vẻ hiển nhiên nhưng thực tế nhiều người sẵn lòng bêu xấu công ty cũ mà không nhận ra hành vi đó chỉ phản ánh không tốt về chính họ. Sếp tồi, quy trình tồi, đội ngũ lãnh đạo tồi đều có thể thay đổi sau khi bạn rời đi.

Vì vậy, tốt nhất là bạn nên rời đi mà không bày tỏ quan điểm quá gay gắt về nội bộ lộn xộn tại công ty cũ hoặc những người cụ thể ở đó mà bạn không tôn trọng.

Nếu chính bạn đã rời đi với những kỷ niệm không mấy tốt đẹp và nhận ra chính mình cũng đã góp phần tạo nên môi trường độc hại đó thì hãy tìm cách hóa giải. Hãy liên hệ những người mà bạn đã gây bất hòa để trò chuyện về những gì bạn đã học được và giờ trưởng thành ra sao.

Nếu cần, bạn vẫn có thể xin lỗi về cách bạn đã cư xử trong quá khứ. Điều đó sẽ mở đường cho bạn thuận lợi hơn nếu cần quay lại.

Giữ liên lạc với đồng nghiệp cũ

fed1-6-1676546912-4987-1676547178.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=koK4wAg3S4Wgsqq26Y2NDA

Giữ liên lạc một số đồng nghiệp cũ để duy trì một cơ hội quay lại công ty khi cần thiết. Ảnh: Pxhere

Có 5 loại người bạn cần giữ liên lạc sau khi rời công ty: sếp cũ, cấp dưới trực tiếp của bạn, các lãnh đạo liên chức năng, ít nhất một hoặc hai đồng nghiệp khác và người phụ trách nhân sự. Tại sao? Đây là những người có thể giới thiệu cho bạn những cơ hội mới tại công ty cũ.

Hàng quý, bạn có thể hỏi về tình hình của người nhận và đề cập đến những kỹ năng bạn đang đạt được, các thành tựu hay dự án lớn mà bạn đang thực hiện (không tiết lộ bí mật công ty). Ít nhất mỗi năm một lần, hãy mời họ đi uống cà phê hoặc ăn trưa, đặc biệt là khi bạn có cân nhắc khả năng quay lại.

Khi đó, bạn có thể chia sẻ về sự phát triển của bản thân và mong muốn quay lại của mình. Cùng với đó, thể hiện rõ kỳ vọng về vị trí công việc nếu bạn quay lại. Nhìn chung, duy trì kết nối tốt sẽ giúp bạn luôn được cập nhật tình hình công ty cũ và biết trước nhu cầu tuyển dụng trước khi nó được đăng tuyển công khai.

Duy trì cập nhật về công ty cũ

Chỉ vì đã quen thuộc với công ty từ thời còn ở đó thì không có nghĩa là bạn sẽ tự động được chọn là người phù hợp cho một vị trí đang cần. Để chiếm ưu thế thật sự nếu muốn ứng tuyển lại, bạn phải cho thấy mình vẫn nắm được những thay đổi sau khi rời đi và thành tựu phát triển của công ty đến hiện tại.

Nếu công ty cũ là công ty đại chúng, bạn có thể dễ dàng cập nhật tình hình từ các báo cáo tài chính công khai. Ngoài ra, bạn có thể tiếp cận qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc các sản phẩm, dịch vụ mà công ty đang đưa ra thị trường. Lợi thế hiểu biết này sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy rằng nếu chọn bạn thì công ty sẽ rút ngắn được thời gian làm quen so với người hoàn toàn mới.

Tiếp tục nâng cao năng lực

Hãy tiếp tục tìm cách nâng cao trình độ tại môi trường làm việc mới. Việc phát triển các kỹ năng cứng và mềm mới sẽ giúp bạn có vị thế tốt hơn để nâng cao giá trị bản thân nếu quay lại công ty trước đây.

Nếu bạn sắp rời công ty và muốn chừa cho mình một cửa để quay lại thì hãy tổng hợp lại các đánh giá hiệu suất công việc mà bạn nhận được. Ngay cả khi bạn không đồng ý với những gì sếp và công ty đã nhận định về mình thì hãy thử áp dụng quy tắc 2%.

Tức là, giả sử bạn có thể tin ít nhất 2% trong nội dung đánh giá là đúng thì bạn có thể làm gì để thay đổi phần nhận thức còn lại của công ty mà bạn cho là chưa. Từ đó, tìm ra những kỹ năng cứng cần thành thạo để tiếp tục phát triển và những kỹ năng mềm nào để cải thiện khả năng gây ảnh hưởng cho bạn.

Hiểu rõ vì sao bạn rời đi và muốn quay lại

Hãy đào sâu để hiểu điều gì đã khiến bạn rời bỏ công ty và liệu những điều kiện đó có còn tồn tại hay không. Ví dụ, bạn đã rời bỏ một người quản lý tồi và người đó đã chuyển đi chưa? Hoặc nếu bạn xin nghỉ vì có một sự thay đổi trong chiến lược mà bạn không đồng ý, bạn sẽ xử lý việc đó như thế nào khi quay lại?

Nếu bạn trong nhóm bị sa thải hàng loạt, công ty hiện tại đã ổn định hơn hay cẩn thận hơn trong các kế hoạch thu hút nhân tài để bạn có tự tin rằng mình sẽ không rơi vào tình huống này nữa không?

Khi giao tiếp với những người đồng nghiệp cũ, không nên nói về việc công ty mới không như kỳ vọng của bạn ra sao. Và với công ty cũ thì cũng hãy nhớ rằng nó cũng đã có thể không còn như ngày trước mà bạn từng gắn bó.

Tổ chức, lãnh đạo, mục tiêu và đôi khi là văn hóa của công ty đều có thể thay đổi. Vì vậy, cố gắng hiểu công ty đã phát triển hoặc thay đổi như thế nào kể từ khi bạn rời đi sẽ giúp bạn trau dồi kỹ năng phù hợp với những vị trí và môi trường công ty trong giai đoạn mới. Đó cũng là cách thuyết phục người tuyển lại bạn rằng bạn sẽ không rời đi lần nữa.

Phiên An (theo Harvard Business Review)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022