Kim Livengood ở Sarasota, Florida (Mỹ), cho biết cô giữ các tạp chí Vogue đến Seventeen mình sưu tầm từ năm 14 tuổi và cảm thấy lưu luyến không muốn bỏ chúng. Chỉ đến khi bán nhà cũ để chuyển đến ngôi nhà mới cùng chồng, cô mới chịu bỏ đi số tạp chí đó. Việc này khiến cô học cách chấp nhận một lối sống mới. Livengood thừa nhận việc bỏ những món đồ từng gắn bó rất khó khăn nhưng sau khi mạnh dạn, cô thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Livengood không phải người duy nhất có suy nghĩ như vậy. Trong những năm gần đây, chủ nghĩa tối giản (Minimalism) là xu hướng được ưa chuộng, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, khi người ta ở nhà nhiều hơn và bắt đầu đặt câu hỏi: "Điều gì làm tăng giá trị cuộc sống của họ?".
Kim Livengood bên tủ quần áo, trang sức ở ngôi nhà cũ trước khi cô quyết định loại bỏ phần lớn những món đồ ít khi dùng đến để có cuộc sống tối giản. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Joshua Fields Millburn, tác giả của cuốn sách Love People, Use Things: Because the Opposite Never Works chỉ ra, chủ nghĩa tối giản không phải là sống trong một ngôi nhà trắng với những bức tường trống và không có đồ nội thất. Định nghĩa đúng về chủ nghĩa tối giản là giữ những gì nâng cao cuộc sống của bạn và loại bỏ những gì không mang ý nghĩa đó. Thống kê cho thấy, một ngôi nhà bình thường ở Mỹ có khoảng 300.000 món đồ, và chỉ có chủ nghĩa tối giản mới giúp bạn sàng lọc những đồ đó.
Theo tác giả cuốn sách, sự bừa bộn có liên quan đến căng thẳng và lo lắng, thậm chí có thể dẫn đến thói quen ăn quá nhiều đồ ăn vặt. Fields Millburn cho biết điều này có thể có tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Làm thế nào để bắt đầu một cuộc sống tối giản? Theo các chuyên gia, bạn nên bắt đầu bằng các bước sau đây,
Loại bỏ những thứ/điều không giúp cuộc sống của bạn tăng giá trị
Chuyên gia tài chính Fields Millburn nói, bạn nên tự hỏi bản thân: "Làm thế nào để cuộc sống của tôi tốt hơn với ít thứ hơn?". Câu trả lời sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề. Ví dụ, bạn có thể muốn từ bỏ thói quen mua sắm để tự do hơn về tài chính hoặc muốn giảm bớt sự vướng bận với công việc để có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè... "Hiểu được lý do đằng sau việc đơn giản hóa mang lại cho bạn đòn bẩy cần thiết để bắt đầu buông bỏ và giúp bạn hiểu những gì là dư thừa", Fields Millburn giải thích.
Loại bỏ những vật dụng "phòng có lúc cần đến"
Bạn thường tích đồ với suy nghĩ rằng "có lúc nào đó cần đến". Thậm chí, trong nhà, bạn có thể trữ hàng nghìn món đồ dự phòng cho một tương lai giả định không tồn tại nào đó, trong khi thực tế, bạn có thể chỉ cần bỏ ra vài USD để mua chúng nếu cần. Do đó, tốt nhất là nên bỏ chúng đi. Ngoại lệ hiếm hoi cho điều này là bộ sơ cứu, dụng cụ cứu hỏa...
Ảnh và giấy báo
Hãy cho phép bản thân loại bỏ các ảnh, giấy báo cũ, phiếu giảm giá, các hóa đơn và bảng sao kê, hợp đồng... mà bạn có thể lưu dạng điện tử hoặc in bất cứ lúc nào nếu cần đến. Khi bạn dọn dẹp sạch sẽ các thùng, hộp mà bạn chất những thứ này, bạn sẽ thấy mọi thứ gọn hơn rất nhiều.
Đồ hư hỏng, hết hạn
Bạn có thể có một chiếc cốc kỷ niệm đã sứt mẻ, vòng cổ rơi gãy, quạt gãy cánh, đồng hồ chết, chiếc hộp mất nắp... Trong tủ của bạn cũng có thể có những thứ đã hết hạn như thuốc men, thức ăn, đồ trang điểm... Đã đến lúc bỏ hết chúng đi. Giá trị của chúng đã hết, còn những gì thuộc về kỷ niệm sẽ luôn trong trái tim bạn, điều đó mới quan trọng.
Những món đồ trùng lặp
Bạn có thể tìm thấy vài chục chiếc thìa các loại trong nhà hay bút, bật lửa, cốc... Nên dành một ngày sắp xếp, phân loại và xem bỏ đi thứ gì cho gọn nhà.
Những đồ bạn không bao giờ sử dụng nữa
Bạn thường có suy nghĩ "giữ chúng đâu có hại gì, chẳng có gì ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng đang khiến ngôi nhà của bạn dần chật ních: giày không vừa chân, quần áo đã quá chật, các loại đồ uống, đồ lót, quà bạn được tặng nhưng không thích... Nên cho ai đó phù hợp thì hơn.
Điều này cũng liên quan đến những món đồ bạn từng mua về vì yêu thích tức thời nhưng rồi bỏ xó, ví dụ máy may, bộ dụng cụ vẽ, đồ đan len, dụng cụ nuôi chó... Việc bạn tặng lại nó cho người thực sự yêu thích cũng là một sự thay đổi tư duy rất hữu ích.
Những thứ mang lại ký ức tồi tệ
Những món đồ khơi gợi lại những kỷ niệm không vui nên được "giải phóng", ví dụ những cuốn sách, vật lưu niệm người yêu cũ tặng... Nên dọn sạch không gian của bạn để chào đón những trải nghiệm mới.
Thùy Linh (Theo AARP)