Nói xấu sếp để giải tỏa căng thẳng

Nhắc đến câu chuyện "nói xấu sếp nơi công sở", Thanh Thanh vẫn chưa hết "run" vì trải nghiệm từng có cách đây một năm. Ra trường, Thanh vào làm việc tại phòng kinh doanh của một công ty chuyên về thiết bị xe cộ. Khi đã trở thành "ma cũ", cô và đồng nghiệp cũng cởi mở chia sẻ mọi chuyện, bao gồm cả những điều không hài lòng về sếp.

lap-hoi-noi-xau-sep-la-be-kho-nhan-vien-meo-mat-vi-mot-hanh-dongdocx-1679853393145.jpegNhân viên tỏ thái độ "bằng mặt nhưng không bằng lòng" với cấp trên (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Cả nhóm gồm 5 người quyết định lập một nhóm trò chuyện với tên gọi "sếp là bể khổ". Tất nhiên, hầu như nội dung trong nhóm đều xoay quanh chuyện công việc, sự quản lý có phần áp bức của sếp… Có lần, sau khi bất đồng quan điểm với sếp, Thanh không ngần ngại "tuôn" một tràng từ ngữ khó nghe chỉ để trút cơn giận của mình.

Ngày hôm sau, cấp trên gọi cô vào phòng và đưa ảnh chụp màn hình nhóm trò chuyện và tỏ ra khá thất vọng. Lúc ấy, Thanh méo mặt không biết phải giải thích như thế nào. Cô chỉ biết lí nhí nói lời xin lỗi và hứa rút kinh nghiệm.

"Sếp đanh mặt lại, không nói năng gì khiến mình càng thêm bối rối. Mình cứ tưởng anh ấy sẽ "đày đọa" vì mình không tiếc lời mà nói xấu sếp sau lưng, nhưng không, công việc của mình vẫn như cũ.

Nói thật thì suốt thời gian làm việc tại công ty, sếp chắc không tệ như những gì tụi mình bàn tán trong nhóm. Tụi mình nói xấu sếp chỉ để giải tỏa căng thẳng trong công việc, chứ không hề có ác ý gì với anh ấy.

Mình quyết định nộp đơn xin nghỉ việc vì cảm thấy khó xử.

Khi nhận lá đơn của mình, anh ấy hỏi một câu: "Em nghỉ việc vì chuyện lập nhóm riêng hay vì vấn đề công việc. Nếu vì chuyện riêng thì anh nghĩ em cần suy nghĩ lại, anh ghi nhận năng lực và mong muốn em tiếp tục cống hiến cho công ty.

Anh không cấm cản được việc các em bàn tán hay "xả" căng thẳng, nhưng anh hy vọng nếu có gì không hài lòng, các em hãy cứ mạnh dạn nói với anh. Còn lá đơn này, em nhận lại đi".

Khoảnh khắc ấy, mình thật sự cảm thấy xấu hổ kinh khủng luôn".

Chị Diễm My (trưởng phòng nội dung tại một công ty ở Hà Nội) cho rằng, việc bắt gặp nhân viên kể xấu quản lý không tác động đến bản đánh giá cuối năm của chị với cấp dưới.

Chị thường đánh giá nhân viên dựa vào những đóng góp và sự cố gắng của họ đối với công việc. "Khi nhân viên nói xấu sếp, hoặc là họ đang bức xúc với sự quản lý của mình, hoặc là lấy "câu chuyện làm quà" để hòa nhập với đồng nghiệp.

Đôi khi, trong nhiều trường hợp, việc kể xấu cấp trên cũng là cách giúp họ giải tỏa căng thẳng. Bởi vậy, mình thường có thái độ "nghe rồi để đó" trước những câu chuyện mang tính chất nói không tốt về cấp trên. Mình không lấy đó làm tiêu chí để đánh giá hiệu quả công việc".

Theo chị My đánh giá, có những trường hợp, áp lực từ cấp trên khiến nhân viên cảm thấy bị "quá tải", hoặc thậm chí là gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Và khi ấy, "nói xấu sếp" có thể trở thành một trong những biện pháp giúp họ giải tỏa tâm trạng.

Người trẻ ưu tiên sức khỏe tinh thần

Theo giáo sư Diane Gayeski - Nguyên trưởng khoa Truyền thông tại Trường Ithaca (Mỹ), Gen Z nhận thức rõ sự ảnh hưởng của một cuộc sống quá tập trung vào công việc đối với gia đình họ.

Người trẻ ngày càng coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Gen Z nhạy cảm với các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. Chính vì vậy, họ muốn làm việc trong những tổ chức mà họ ngưỡng mộ, và họ muốn xây dựng một cuộc sống có thời gian dành cho gia đình, bạn bè, cũng như các sở thích cá nhân.

Những người trẻ thảo luận rất cởi mở về những vấn đề về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc. Họ muốn nhà tuyển dụng cung cấp các dịch vụ và quyền lợi liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe tinh thần của họ như trị liệu tại nơi làm việc, ngày nghỉ tự chăm sóc bản thân được trả lương.

Những doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần đối với nhân viên thuộc thế hệ Gen Z sẽ thu hút và giữ chân được nhiều nhân tài.

Nếu như các hệ trước kia chỉ quan tâm đến quyền lợi về thu nhập hay sức khỏe, thì Gen Z giờ đây sẽ mang đến một làn sóng mới cho những quyền lợi của nhân viên, ví dụ như: "Ngày nghỉ dưỡng tinh thần, công ty chi trả bảo hiểm cho thú cưng, và tạo cơ hội cho nhân viên được làm việc tại nhà".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022