"Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta…"

Mở đầu buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh Bình Định đang thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, nhất là doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, một trong những điều đầu tiên mà doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đến với Bình Định họ lo lắng nhất là sự phát triển nguồn nhân lực.

ghi5626-edited-1679740384164.jpeg

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đối thoại với thanh niên (Ảnh: Doãn Công).

Theo ông Phạm Anh Tuấn, cơ chế chính sách có thể giải quyết, đất đai giải quyết được bằng sự đóng góp, hy sinh của người dân nếu phải thu hồi đất, các cơ sở vật chất khác làm được bằng nguồn tiền… Riêng nguồn nhân lực không thể làm ngay được mà đòi hỏi phải sự chuẩn bị rất lâu dài.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ với tỉnh Bình Định đòi hỏi cấp bách hơn bao giờ hết. 5 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, du lịch, logistics, kinh tế đô thị đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn, đặc biệt là phát triển công nghiệp.

"Hiện, Bình Định chưa thu hút nhiều dự án lớn nhưng sắp tới nếu như các dự án lớn đầu tư vào tỉnh thì tôi đang lo lắng không có người để làm. Lực lượng ở đây gồm cả lực lượng quản lý, công nghệ và cả những công nhân lành nghề hiện rất căng thẳng", ông Tuấn nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng nhắc lại những thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt, trao đổi khi đối thoại với thanh niên cả nước cách đây ít ngày.

Anh Phan Văn Nhật, Bí thư Chi đoàn thôn 9, xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) lo lắng về tình hình tội phạm liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, nhất là vùng nông thôn (Ảnh: Doãn Công).

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định hy vọng tất cả các bạn trẻ tỉnh nhà hãy cùng suy ngẫm, thực hiện một câu trong lời bài hát "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…".

"Tôi mong muốn các bạn "hiến kế" nhiều hơn là đặt những câu hỏi. Khi đặt câu hỏi tức là các bạn đang đòi hỏi một cái gì đó nhưng hiến kế và có kiến nghị thì mọi chuyện sẽ khác", ông Phạm Anh Tuấn nói.

Đào tạo nguồn nhân lực theo 5 trụ cột kinh tế

Buổi đối thoại có sự tham gia của lãnh đạo tất cả các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo nhiều sở, ngành như: Sở Thông tin và Truyền thông, LĐ-TB&XH, GD-ĐT, Nội vụ, Văn hóa và Thể thao, Công an… Đặc biệt, hơn 200 ĐVTN đại diện cho tuổi trẻ tỉnh Bình Định nói lên những tâm tư, nguyện vọng cùng các kiến nghị, đề xuất đến chủ trì hội nghị.

Đại diện Hội người mù tỉnh và CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Bình Định nêu kiến nghị tại buổi đối thoại (Ảnh: Doãn Công).

Không khí buổi đối thoại diễn ra cởi mở, các bạn ĐVTN hoàn toàn nói lên tiếng nói của mình.

Trong đó, các câu hỏi tập trung vào các vấn đề về vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; đào tạo nguồn nhân lực số; giải pháp, chính sách để nâng cao khả năng ngoại ngữ và kỹ năng hội nhập quốc tế của ĐVTN trên địa bàn tỉnh.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; vấn đề lao động trong độ tuổi thanh niên chiếm tỷ lệ lớn nhưng nhìn chung trình độ tay nghề còn thấp so với nhu cầu của thị trường…

Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị Tỉnh đoàn, đoàn các cấp, ĐVTN cần nắm chắc định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch… để thanh niên cùng tham gia hiến kế, đóng góp các ý kiến, sáng kiến trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; ĐVTN với chuyển đổi số mà trọng tâm là tổ công nghiệp số cộng đồng; Thanh niên khởi nghiệp hãy đăng ký qua Tỉnh đoàn, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ theo chính sách của nhà nước.

Phó Giám đốc Sở LĐ&TBXH tỉnh Bình Định Đặng Văn Phụng trao đổi các vấn đề thanh niên quan tâm (Ảnh: Doãn Công).

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, thời gian tới, thanh niên sẽ học nghề theo định hướng phát triển của tỉnh. Việc này, Tỉnh đoàn có trách nhiệm định hướng tại chính thôn, xã, bản…

"Tỉnh sẽ tạo điều kiện về nguồn lực, hỗ trợ các hoạt động của đoàn thanh niên vào những nhiệm vụ cụ thể. Tỉnh cũng hỗ trợ đào tạo nghề cả về nguồn lực của tỉnh và yêu cầu doanh nghiệp chủ động bỏ chi phí để đào tạo nghề cho công nhân, người lao động của mình. Hàng quý, UBND tỉnh sẽ làm việc với Tỉnh đoàn, các cơ sở đoàn để lắng nghe, giải quyết các đề xuất và tiếp thu các sáng kiến của ĐVTN", ông Phạm Tuấn Anh nói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022