Kanon Tani (sinh năm 2004) là một trong những sao nhí nổi tiếng nhất nhì xứ sở hoa anh đào. Bắt đầu sự nghiệp đóng phim từ năm 4 tuổi, Tani đã tham gia nhiều bộ phim "đình đám" như: Papadol!, Zenkai Girl, Namae o Nakushita Megami... Với đôi mắt to tròn, nụ cười tươi tắn và khuân mặt xinh đẹp, Tani từng được gán ghép với rất nhiều mỹ từ chẳng hạn: "sao nhí xinh đẹp nhất Nhật Bản" hay "phiên bản nhí" của "Đệ nhất mỹ nhân Nhật Bản" Nazomi Sasaki.
Kanon Tani là một trong những sao nhí đình đám nhất xứ sở hoa anh đào
Không chỉ dừng lại ở nhan sắc mà tài năng diễn xuất của Kanon Tani cũng được đánh giá rất cao ngay từ khi còn nhỏ. Khi bước vào cảnh quay, cô bé hầu như không bao giờ có bất kỳ cảnh hỏng nào, mọi vai diễn đều được Tani nhập tâm vô cùng trơn tru. Ngoài ra, nếu như cảnh khóc trong phim là nỗi "ác mộng" với các diễn viên, đặc biệt là các diễn viên nhí, thì Kanon Tani lại không coi đó là thử thách quá lớn với mình bởi cô bé có thể khóc chỉ trong vòng 5 giây.
Không chỉ đáng yêu hết mức, cô bé còn được đánh giá cao về diễn xuất
Kanon Tani cũng là "con cưng" của các nhãn hàng. Khi mới 9 tuổi, cô bé đã trở thành sao nhí nhận được nhiều hợp đồng quảng cáo nhất Nhật Bản (xếp thứ 5 trong toàn Jbiz). Chứng kiến sự thành công đó của cô nàng, nhiều người mong chờ Kanon Tani sẽ sớm trở thành 1 mỹ nhân trứ danh mới của làng giải trí xứ sở Phù Tang.
Nhan sắc có nhiều thay đổi khi lớn lên
Những tưởng sự nghiệp của Tani sẽ rộng mở thênh thang và cô bé sẽ sớm trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, ấy thế nhưng khi lớn lên, Kanon Tani lại gây ra ít nhiều thất vọng cho khán giả. Một phần lý do xuất phát từ việc bước sang tuổi dậy thì, nhan sắc của Tani đã thay đổi rất nhiều khi không còn giữ lại được nét thanh tú, ngây thơ ngày xưa.
Vài năm trở lại đây, diễn xuất của Tani cũng không còn giữ được sức hút. Những bộ phim có sự góp mặt của nữ diễn viên không được khán giả quan tâm đón nhận như xưa.
Cô đã thay đổi rất nhiều khi bước vào lứa tuổi dậy thì
Đáng chú ý, dù Tani vẫn cố gắng tham gia nghệ thuật song song với việc tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng nhưng một bộ phận cư dân mạng quá khích lại sẵn sàng "tấn công" cô. Trang cá nhân của Tani xuất hiện không ít bình luận tiêu cực, đặc biệt là liên quan đến ngoại hình hiện tại của cô.
Trước những bình luận có phần khiếm nhã, nữ diễn viên cho biết cô vẫn đang cố gắng hoàn thiện bản thân từng ngày và hy vọng mọi người không quá khắt khe vì những thay đổi của mình. Bởi lẽ, cô mong muốn được khán giả công nhận về khả năng diễn xuất nhiều hơn. Để phát triển con đường sự nghiệp tương lai, Tani tiết lộ khả năng cô sẽ phải tạm dừng hoạt động nghệ thuật để sang Mỹ du học.
Tani tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng bất chấp việc bị bạo lực mạng
Cha mẹ nên làm gì khi con bị tấn công qua mạng?
Từ câu chuyện của Tani, có thể nói tình trạng bạo lực mạng càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đáng nói là không phải ai cũng có thể mạnh mẽ đáp trả như Tani. Có thể nói, các hành vi công kích, bắt nạt trên mạng xã hội thường để lại ảnh hưởng to lớn đối với cuộc sống và tinh thần của trẻ. Thậm chí, một số trẻ còn phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như stress, rối loạn lo âu, hội chứng self-harm, trầm cảm…
Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng có không ít mặt trái. Để trẻ vượt qua vấn đề này, bố mẹ phải là chỗ dựa tinh thần và hướng dẫn trẻ các biện pháp xử lý phù hợp:
1. Ngăn cách con với đối tượng xấu
Khi con bị tấn công qua mạng, biện pháp đầu tiên gia đình có thể thực hiện là chặn số điện thoại và tài khoản của đối tượng có bài viết, bình luận công kích, xúc phạm trẻ. Trong trường hợp các đối tượng này vẫn liên tục làm phiền, phụ huynh nên xem xét việc đổi số điện thoại, tài khoản mạng hoặc cho con ngừng sử dụng mạng.
Bên cạnh đó, hiện nay, các nền tảng mạng xã hội đều đã phát triển các tính năng nhằm đảm bảo sự riêng tư của người dùng. Do đó, phụ huynh có thể rà soát lại các bài viết của trẻ, sau đó điều chỉnh quyền riêng tư bài viết của trẻ sao cho phù hợp. Nếu đối tượng xấu có bài viết với nội dung xúc phạm, phụ huynh có thể báo cáo để ngăn chặn bài viết.
2. Báo cáo với cơ quan chức năng
Nếu những bài viết công kích trẻ trên mạng xã hội mang tính chất nghiêm trọng. Phụ huynh nên lưu lại các bằng chứng và trình báo cơ quan chức năng để được giải quyết. Đôi khi, trẻ có thể không đồng tình với giải pháp này vì sợ xấu hổ với mọi người. Song, bố mẹ nên để trẻ hiểu rằng phải có biện pháp mạnh tay để những đối tượng này không thể đe dọa thêm bất cứ ai.
Ảnh minh họa
3. Giáo dục con về bắt nạt trên mạng
Không phải đứa trẻ nào cũng sẵn sàng kể cho bố mẹ nghe về chuyện chúng đang bị bắt nạt. Thậm chí, trẻ không biết những hành vi đó là hành vi bắt nạt trên mạng. Vậy nên, cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu rõ hơn về cách ứng xử văn minh và dấu hiệu của bắt nạt trên mạng để trẻ có thể báo ngay cho cha mẹ. Cụ thể: Có ai đó lan truyền tin đồn về con, dùng hình ảnh con làm ảnh đại diện của họ và tự nhận là con, hoặc ai đó gửi tin nhắn chửi bới, trách mắng con về những chuyện con không làm...
4. Luôn bên con
Khác với người trưởng thành, kinh nghiệm sống của trẻ còn non nớt nên khi đối diện với những thử thách, chúng không biết cách điều chỉnh tâm trạng sao cho phù hợp. Chính vì vậy, gia đình cần động viên, chia sẻ và trở thành chỗ dựa vững chắc cho trẻ trong thời gian này.
Ảnh minh họa
Cách nhận diện nguy hiểm trên mạng
Theo TS Monika Bayer-Berry - chuyên gia bảo vệ quyền trẻ em tại Ba Lan, những rủi ro, cạm bẫy luôn đầy rẫy trên môi trường mạng, song phụ huynh có thể nhận dạng bằng cách sử dùng công thức 3C.
Thứ nhất là "Content" (nội dung). Nó bao gồm những website chứa thông tin, hình ảnh, video không phù hợp với trẻ, có thể mang yếu tố bạo lực, đồi trụy, phản giáo dục…
Thứ hai là "Conduct" (hành vi). Nguy hiểm có thể rình rập khi nhiều kẻ lừa đảo giả làm trẻ em trên mạng để đánh cắp thông tin, hoặc tự ý đăng ảnh của trẻ em lên các trang web vì mục đích xấu.
Thứ ba là "Contact" (mối quan hệ). Những cạm bẫy có thể tới từ những người lạ mặt trên mạng xã hội, những mối quan hệ không rõ ràng trong các hội nhóm, các ứng dụng giải trí…
Theo bà Monika Bayer-Berry, việc cần làm của cha mẹ và cả giáo viên là cần cập nhật những rủi ro theo công thức 3C này để giúp các bạn nhỏ tránh được những tình huống khó khăn, thậm chí nguy hiểm khi sử dụng mạng xã hội.
Nguồn: Tổng hợp