Đề án thành lập doanh nghiệp được thông qua tại phiên họp lần thứ 17, khóa IV của Hội đồng Đại học Quốc gia TP HCM hôm 8/12.

Trả lời VnExpress, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết việc thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2018 (Luật 34). Doanh nghiệp này có ba mục tiêu chính: Cung cấp dịch vụ cho người học theo mô hình của doanh nghiệp, hoạt động có cạnh tranh để nâng cấp chất lượng dịch vụ; Xúc tiến hoạt động đầu tư xây dựng khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thành lập các doanh nghiệp spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn) và start up (doanh nghiệp khởi nghiệp).

Theo ông Quân, doanh nghiệp trực thuộc Đại học Quốc gia TP HCM sẽ tương tự mô hình NUS Enterprise của Đại học Quốc gia Singapore. "Mô hình này sẽ hỗ trợ các giảng viên làm chủ doanh nghiệp khởi nguồn và là đại diện cho Đại học Quốc gia TP HCM để tham gia các doanh nghiệp start up, chủ sở hữu các công trình nghiên cứu, hoạt động liên kết. Trong doanh nghiệp đó có thể có nhiều doanh nghiệp con khác", ông Quân nói.

DJI-0039-2-1496127224-7349-1670766363.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0mPdExjV94bWWjXwHwG-Ug

Khuôn viên Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Cho đến nay, Đại học Quốc gia TP HCM có hai trường đại học thành viên thành lập doanh nghiệp. Trong khi Công ty Văn khoa có chủ sở hữu hoàn toàn là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Công ty Khoa học Công nghệ Bách khoa chỉ có 28% cổ phần của trường Đại học Bách khoa.

Luật Giáo dục đại học 2018 cho phép các cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp, công ty với mục đích chính là thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tế. Tuy nhiên, mô hình này mới được triển khai ở số ít trường như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trên thế giới, một số đại học có thể có tới hàng chục, thậm chí cả trăm doanh nghiệp trực thuộc.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022