Ngày 17/6, Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Trong đó có chính sách hỗ trợ để phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Khoa Nông Lâm-Xây dựng, trường Cao đẳng Lào Cai) cho biết hiện nay nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề có đến 80% học viên là người dân tộc thiểu số, hầu hết thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Các trường giúp phân luồng sau THCS, giảm tỷ lệ bỏ học, song hiện thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo.

"Chỉ vì địa điểm của những trường này không thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ của chương trình", bà nhìn nhận. Trong khi đó, ngân sách địa phương còn khó khăn nên đầu tư cho các trường hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

"Tôi mong Chính phủ bổ sung nhóm này vào danh mục hỗ trợ", bà Lan Anh đề xuất.

202306230037085615-nguyen-thi-3031-5175-1718610779.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7dRKx6rDXYuYlM1uerAGOw

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông, đồng tình. Ông cho rằng vướng mắc mà bà Lan Anh nêu đang ảnh hưởng đến phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm ở miền núi.

"Đa số cơ sở giáo dục nghề nghiệp nằm tại trung tâm huyện, thành phố", ông nói. Do đó, ông Mai đề nghị bổ sung xã khu vực 3 (đặc biệt khó khăn), khu vực 2 (còn khó khăn) và khu vực 1 (bước đầu phát triển) vào diện hưởng hỗ trợ.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 có tổng vốn đầu tư hơn 104.000 tỷ đồng.

Những trường nghề đóng tại khu vực này sẽ được đầu tư để phát triển, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; phát triển chương trình, tài liệu giảng dạy; ứng dụng công nghệ thông tin; sửa chữa, bảo dưỡng nhà xưởng, phòng học, ký túc xá; mua sắm máy móc, trang thiết bị...

Sơn Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022